Ngày 22/7, Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) cho biết đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại CTCP VinFa.
CTCP VinFa này có mã số thuế 0110014171, theo báo cáo tài chính quý 2/2024, có hoạt động kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản – theo giấy đăng ký thành lập mới tháng 5/2022, do Vingroup nắm 48,8% tỷ lệ biểu quyết.
Đây không phải là CTCP VinFa từng được biết đến với vai trò là là đơn vị thực hiện tham vọng mảng dược phẩm của Tập đoàn Vingroup hồi năm 2018. Tháng 12/2020, CTCP VinFa (sản xuất thuốc, hóa dược, dược phẩm) đã đổi tên thành CTCP Vin3S với hoạt động kinh doanh chính là Thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội, dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.
CTCP Vin3S (VinFa) được thành lập từ tháng 7/2015 bởi ba cá nhân. Khi đó vốn điều lệ công ty khoảng 3 tỷ đồng. Tháng 1/2018, Vingroup mua lại 9.000 cổ phiếu công ty VinFa (3% vốn điều lệ) và góp thêm 443 tỷ đồng tăng sở hữu lên hơn 96%.
Tham vọng của VinFa khi đó không chỉ là một chuỗi nhà thuốc trên toàn quốc mà vào tháng 4/2018, Vingroup cho biết sẽ đầu tư 2.200 tỷ đồng vào dự án VinFa tại Bắc Ninh, xây dựng trên diện tích 10 ha, theo tiêu chuẩn quốc tế với các phân khu: nghiên cứu, sản xuất, hậu cần và các công trình phụ trợ.
Mục tiêu của Trung tâm nghiên cứu sản xuất thuốc VinFa là sản xuất và kinh doanh các bài thuốc Đông y và các loại thuốc Tây y chất lượng tốt, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sau đó, tháng 11/2018, VinFa khai trương 11 nhà thuốc đặt cạnh chuỗi Vinmart+ (nay là Winmart+) tại Hà Nội. Đến tháng 6/2019, VinFa khai trương những nhà thuốc đầu tiên tại TP. HCM.
Đến cuối năm 2019, VinFa bắt đầu đóng cửa một số nhà thuốc do doanh số bán hàng không tốt. Vốn của VinFa bị rút dần và theo giấy đăng ký kinh doanh tháng 6/2022, CTCP VinFa đã là Vin3S có vốn điều lệ hơn 185 tỷ đồng cùng lĩnh vực kinh doanh mới.
Thời điểm Vingroup đầu tư vào chuỗi nhà thuốc hiện đại cũng là thời điểm nhiều “đại gia” nhảy vào lĩnh vực này như Thế giới di động (MWG) mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và đổi tên thành chuỗi nhà thuốc An Khang, FPT Retail (FRT) mua lại nhà thuốc Long Châu.
Cho đến nay, Long Châu được đánh giá là chuỗi nhà thuốc mở rộng hiệu quả nhất khi đãđạt mốc 1.789 nhà thuốc và dự kiến đạt mốc 1.900 nhà thuốc vào cuối năm nay, trong khi An Khang dừng lại ở con số 500 và Pharmacity – chuỗi từng đứng số 1 thị trường đã giảm số cửa hàng về dưới 1.000 điểm.
Nguồn tin: https://cafef.vn/vingroup-ban-het-co-phan-tai-vinfa-188240723092125629.chn