Tại toạ đàm “Bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm”, bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết phần lớn bức xúc, khiếu nại trên thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua đến từ khách hàng tham gia bảo hiểm qua tổ chức tín dụng (bancassurance). Để thực hiện được mục tiêu được giao kết, một số tổ chức giao chỉ tiêu doanh số bán bảo hiểm cho nhân viên, tạo sức ép cho nhân viên tổ chức tín dụng. Chuyên gia khuyến nghị cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường công bố thông tin đánh giá các doanh nghiệp bảo hiểm; minh bạch tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ hai…
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, các tồn tại, hạn chế phát sinh trong thị trường bảo hiểm nhân thọ đã đi ngược lại bản chất nhân văn của bảo hiểm nhân thọ, làm suy giảm lòng tin của người tham gia bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm nhân thọ cần chấn chỉnh lại.
TĂNG CƯỜNG MINH BẠCH THÔNG TIN ĐÁNH GIÁ CÁC DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, để khắc phục những bất cập trong hoạt động bancassurance, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình xử lý các vấn đề, kể cả trong xử lý những vấn đề vi phạm. Hai cơ quan quản lý nhà nước cũng phải công bố thông tin đánh giá các doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài biện pháp ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn, giao kết các hợp đồng, các cơ quan quản lý có thể phát cho người mua bảo hiểm hướng dẫn cụ thể về việc mua bảo hiểm nhân thọ và chịu trách nhiệm về hướng dẫn đó.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cũng cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội minh bạch hóa, công khai hóa thông tin trong quản lý bảo hiểm đến từng đối tượng.
Theo các chuyên gia, tại nhiều quốc gia, người mua bảo hiểm rất dễ dàng tìm kiếm các thông tin về tình hình tài chính của các công ty bảo hiểm, khả năng thanh toán các yêu cầu bồi thường trong tương lai, tỷ lệ giải quyết bồi thường (CSR)…Những thông tin này thường được công khai trên trang web của các cơ quan quản lý bảo hiểm. Từ đó, người mua có thể dễ dàng so sánh uy tín và chất lượng dịch vụ của các công ty bảo hiểm với nhau và đưa ra lựa chọn chính xác.
Chẳng hạn tại Ấn Độ, các công ty bảo hiểm nhân thọ có tỷ lệ giải quyết bồi thường trên 95% trong nhiều năm liền thường được coi là đáng tin cậy.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, người mua bảo hiểm còn khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm từ cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với riêng kênh bancassurance, các chuyên gia khuyến nghị cần đánh giá chất lượng hoạt động thông qua tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ hai. Tiêu chí này nên được đưa vào hợp đồng hợp tác giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng. Nếu tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ 2 2 thấp hơn mức độ trung bình của thị trường thì cần có những biện pháp giám sát, chấn chỉnh. Bởi lẽ, tỷ lệ duy trì hợp đồng thấp hơn nhiều mức trung bình có nghĩa là đơn vị bán đó có vấn đề. Ví dụ khách hàng không có nhu cầu, mua bảo hiểm vì bị ép buộc nên mua xong người ta hủy…
Ngoài ra, tỷ lệ duy trì hợp đồng tại một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng phản ánh chất lượng tư vấn của các đại lý. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị tỷ lệ này nên được công khai minh bạch để người mua tham khảo.
CẦN CÓ QUY CHẾ VỀ CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP VỚI TƯ VẤN VIÊN BẢO HIỂM
“Đối với doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng thương mại, theo tôi, bài học lớn nhất rút ra là phải quan tâm đào tạo các đại lý bảo hiểm có chất lượng. Một số doanh nghiệp bảo hiểm đã quan tâm đầu tư đào tạo đối với đại lý bảo hiểm, nhưng cũng còn những doanh nghiệp không quan tâm đến công tác này, chỉ chú trọng vào đào tạo theo hướng làm sao bán được sản phẩm nhiều hơn, chưa chú trọng kiến thức về kinh tế, kiến thức chuyên môn và quan trọng là đạo đức nghề nghiệp. Khi bảo hiểm không đi đúng hướng, không đi đúng được tiêu chí của doanh nghiệp bảo hiểm thì hậu quả chúng ta đã nhìn thấy, đó là người dân rất e ngại, băn khoăn, thận trọng và thậm chí là quay lưng với bảo hiểm. Khi đó, thiệt thòi và mất nhiều nhất chính là các doanh nghiệp bảo hiểm”, bà bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội bình luận sau những lùm xùm trên thị trường bảo hiểm thời gian qua.
Bà Trần Hồng Nguyên đề xuất Hiệp hội Kinh doanh bảo hiểm Việt Nam cần xây dựng quy chế về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với đại lý bảo hiểm. “Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho một ngành rất quan trọng, nó định hướng người ta làm gì để thực hiện đúng ngành nghề, công việc đặt ra”, bà Nguyên nói.
Cũng liên quan đến kênh bancassurance, bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khuyến nghị trong thời gian tới, ngân hàng thương mại nên có sự phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm để đào tạo nhân sự. Hai bên nên có thỏa thuận về cơ chế giám sát rõ ràng, phân định trách nhiệm bên nào làm sai, sai khâu nào thì chịu trách nhiệm và trách nhiệm đến đâu? Nên xây dựng rõ ràng để mọi người tham gia biết được mình phải làm gì, làm đến đâu, làm không đúng thì như thế nào?
Bên cạnh các giải pháp minh bạch, hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường giám sát từ cơ quan quản lý nhà nước; ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh cả bên bán và bên mua bảo hiểm phải có sự chuẩn bị, tâm thế, kiến thức, thái độ, kỹ năng nhất định để tham gia vào quan hệ kinh tế đặc biệt này.