Nhắc tới loạt thiết bị gia dụng quen thuộc trong các gia đình hiện nay, không thể bỏ qua cái tên lò vi sóng. Thết bị có chức năng chính là hâm nóng thực phẩm, đồ uống bằng sóng vi ba. Người dùng chỉ cần lựa chọn nhiệt độ cùng thời gian phù hợp, các loại thực phẩm hay đồ uống sẽ được xử lý nhanh chóng, từ đó tiết kiệm thời gian và công sức.
Tuy nhiên, một số người dùng cũng chia sẻ họ thường tận dụng lò vi sóng để thực hiện thêm một số công việc khác, bên cạnh chức năng chính là hâm nóng thực phẩm. Ví dụ tiêu biểu đó là việc: Rã đông thịt.
Vậy việc này có nên thực hiện thường xuyên hay không? Có đem lại tác dụng phụ gì hay có ảnh hưởng gì tới chất lượng thịt và sức khoẻ con người không? Dưới đây là giải đáp từ các chuyên gia.
Chuyên gia đưa ra lời khuyên
Theo chuyên trang Appliance City từ Anh, về cơ bản, các gia đình hoàn toàn có thể thực hiện rã đông thịt bằng lò vi sóng. Nhiều ý kiến người dùng cho rằng điều này là không nên, tuy nhiên như vậy là chưa đúngg. “Bạn hoàn toàn có thể rã đông thịt bằng lò vi sóng, miễn là bạn đảm bảo thực hiện đúng cách và tiến hành nấu ngay sau khi rã đông. Như vậy sẽ không gây ảnh hưởng gì tới chất lượng món ăn”, chuyên trang giải thích.
Appliance City hướng dẫn thêm, bước đầu tiên và được xem là vô cùng quan trọng khi người dùng tiến hành rã đông thịt bằng lò vi sóng, đó là lấy thịt ra khỏi các túi hay hộp, khay xốp ban đầu. Nếu có màng bọc, cũng nên bỏ ra. Hãy cho thịt cần rã đông ra các loại đĩa, bát sứ, an toàn sử dụng với lò vi sóng.
Trong suốt quá trình rã đông thịt bằng lò vi sóng, người dùng cần theo sát và thường xuyên kiểm tra. Nhiều loại thịt mỏng có thể nhanh chóng bị làm chín quá mức trong lò vi sóng. Vì vậy, việc lựa chọn nhiệt độ và thời gian rã đông cũng rất quan trọng.
Cụ thể, với loại thịt đông đá cứng, thời gian rã đông trong lò vi sóng cũng chỉ nên kéo dài khoảng từ 3-5 phút/lần, ở mức nhiệt trung bình cao. Sau lần 1, nếu người dùng cảm thấy thịt chưa được rã đông đủ, có thể cho vào lò vi sóng thêm 1 lần nữa với thời gian và nhiệt độ tương tự.
Dược sĩ Nguyễn Thanh Hải, công tác tại Nhà thuốc Long Châu và có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm nhấn mạnh, tuy mỗi loại thịt nên có thời gian rã đông khác nhau, tuy nhiên mức thời gian này không nên vượt quá 10 phút hoặc quá nhiều lần. Việc rã đông quá kỹ với lò vi sóng thậm chí khiến thịt chảy nước, đồng thời mất đi nhiều chất dinh dưỡng hay chín hoàn toàn, ngoài mong muốn của người dùng.
Sau khi rã đông xong, thịt cần được đem đi chế biến ngay để tránh khỏi việc xâm nhập của vi khuẩn. Đặc biệt, cũng tuyệt đối không nên cấp đông lại thực phẩm vì việc này thậm chí sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn.
Ngoài thịt, nhiều người dùng có nhu cầu rã đông cả các loại rau củ, để lâu ngày trong tủ lạnh. Tuy nhiên, việc này là không nên, áp dụng trên đa phần các loại rau củ quả. Tốt nhất, người dùng hãy lấy rau củ quả ra ngoài và để ở nhiệt độ thường trong thời gian vài phút thay vì cho vào lò vi sóng.
NÊN – KHÔNG NÊN khi dùng lò vi sóng
Dưới đây là một số lưu ý khác về những điều NÊN – KHÔNG NÊN khi dùng lò vi sóng mà người dùng cần nắm được để việc sử dụng thiết bị được hiệu quả và an toàn hơn, được Appliance City đưa ra.
1. NÊN
– Nên sử dụng hộp đựng an toàn với lò vi sóng. Bên cạnh các loại bát, đĩa hay hộp sứ, thuỷ tinh, người dùng có thể sử dụng các loại nhựa để đựng thực phẩm, quay với lò vi sóng. Tuy nhiên, cần kiểm tra kỹ xem loại nhựa đó được làm từ nhựa số mấy, có ký hiệu dùng được cho lò vi sóng hay không. Loại nhựa tốt và an toàn nhất khi dùng với lò vi sóng là nhựa PP số 5 hoặc nhựa BPA Free.
– Nên đậy nắp thức ăn khi hâm nóng trong lò vi sóng, đặc biệt với chất lỏng. Việc này sẽ giúp lò vi sóng được sạch sẽ hơn, hạn chế các tình huống thực phẩm bắn ra, gây khó khăn trong quá trình vệ sinh. Ngoài ra việc đậy nắp cũng được cho là giúp lò vi sóng được làm nóng đều và nhanh hơn.
– Nên canh chừng khi lò vi sóng hoạt động. Nhiều người dùng thường có thói quen để thiết bị hoạt động mà không có sự trông coi. Như vậy khi không may xảy ra sự cố như cháy nổ, chập điện hay thức ăn bên trong gặp vấn đề, người dùng sẽ không thể nắm bắt và xử lý kịp thời.
2. KHÔNG NÊN
– Không nên cho kim loại vào lò vi sóng. Kim loại sẽ phát ra tia lửa trong thiết bị và thậm chí có thể gây ra hoả hoạn hoặc phát nổ, gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình. Bởi vậy các đồ dùng được làm từ kim loại hay có chi tiết, thành phần kim loại, tốt nhất không nên cho vào lò vi sóng.
– Không nên nhồi nhét quá nhiều thức vào lò vi sóng. Hãy để cho không gian bên trong thiết bị có khoảng trống, từ đó sóng vi ba làm nóng mới có thể lưu thông tốt, đảm bảo hiệu quả hoạt động của thiết bị.
– Không nên đặt đồ vật lên trên lò vi sóng hay quanh các lỗ thông hơi. Việc làm này sẽ khiến nhiệt độ của lò vi sóng tăng lên, tiềm ẩn hư hỏng hoặc nguy cơ xảy ra hoả hoạn, chập chát ở thiết bị.
– Không nên cho những đồ không phải thực phẩm vào lò vi sóng. Hãy để lò vi sóng hoạt động đúng với chức năng của nó, là hâm nóng thực phẩm hoặc một số loại đồ uống. Người dùng không nên lạm dụng bằng các cho những chiếc khăn, miếng bọt biển, hay bất kỳ thứ gì khác vào bên trong thiết bị để sấy khô.
Nguồn tin: https://cafef.vn/co-nen-ra-dong-thit-bang-lo-vi-song-hay-khong-thi-ra-bay-lau-rat-nhieu-nguoi-hieu-sai-188240722195027543.chn