Sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế Mỹ đã làm trệch hướng những đặt cược ở Phố Wall rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Thời gian qua, sự đặt cược đó đã là một nhân tố quan trọng cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ từ đầu năm.
Tờ Wall Street Journal dẫn dữ liệu từ trang Tradeweb cho biết thị trường phái sinh đang kỳ vọng lãi suất chính sách của Fed ở mức 5% vào cuối năm nay. Tháng trước, kỳ vọng còn ở mức khoảng hơn 4%. Sau 10 lần tăng liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái tới nay, lãi suất Fed hiện đang ở mức 5-5,25%.
NHÀ ĐẦU TƯ ĐÃ NHẦM VỀ KINH TẾ MỸ
Cho tới gần đây, kỳ vọng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trước tháng 12 đã thúc cổ phiếu ở Phố Wall tăng giá, nhất là cổ phiếu của các công ty công nghệ vốn hoá lớn. Sau khi bị bán tháo trong năm 2022 dưới sức ép từ lãi suất tăng, loạt cổ phiếu như Apple, Amazon và Meta đến nay đều đã tăng hơn 35% kể từ đầu năm đến nay. Chỉ số Nasdaq, thước đo của giá cổ phiếu công nghệ, đã tăng 26% trong cùng khoảng thời gian.
Một số nhà đầu tư và chuyên gia nói rằng nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất trong nửa sau của năm nay, đó sẽ là một trở ngại đối với thị trường chứng khoán ngay cả khi nền kinh tế vẫn vững và các doanh nghiệp niêm yết duy trì được tỷ suất lợi nhuận. Nhiều người nhấn mạnh rằng phần lớn các nhóm cổ phiếu ngành ở Phố Wall năm nay đều cho thấy sự suy yếu, ngay cả khi các chỉ số chính đi lên.
“Nasdaq đã tăng mạnh vì được dẫn dắt bởi một số ít cổ phiếu, nhưng phần lớn các nhóm cổ phiếu khác đều giảm”, nhà quản lý danh mục Rhys Williams thuộc công ty Spouting Rock Asset Management nhận định. “Điều đó thực sự phản ánh mối lo của nhà đầu tư về việc Fed không giảm lãi suất trong năm nay sẽ có ý nghĩa như thế nào”.
Báo cáo việc làm tháng 5 mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước chính là trở ngại lớn nhất đối với những nhà đầu tư đã đánh giá thấp sức bền tăng trưởng kinh tế Mỹ trong bối cảnh lãi suất tăng.
Theo báo cáo trên, trong tháng 5, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 339.000 công việc mới, vượt xa mức tăng 190.000 công việc mà giới chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Báo cáo này đánh dấu tháng thứ 29 liên tiếp thị trường việc làm của Mỹ tăng trưởng dương.
Cùng với những số liệu khác cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, báo cáo việc làm tháng 5 cho thấy một điều rằng lạm phát ở Mỹ “cứng đầu” hơn nhiều so với những dự báo của nhà đầu tư cách đây 12 tháng. Vào mùa hè năm ngoái, các dự báo lạm phát 1 năm tới cho rằng tốc độ tăng giá tiêu dùng sẽ giảm nhanh về ngưỡng 2% vào khoảng giữa năm 2023. Trong khi đó, dữ liệu gần đây nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
LỢI SUẤT TRÁI PHIẾU TĂNG NHƯNG NHÀ ĐẦU TƯ KHÔNG HOẢNG SỢ
Thị trường lao động thắt chặt có nghĩa là Fed vẫn xem xét tăng lãi suất khác tại cuộc họp tiếp theo trong mùa hè năm nay dù có thể bỏ qua việc tăng lãi suất trong lần họp tháng 6 này – theo ông Rich Steinberg, giám đốc chiến lược thị trường tại công ty Colony Group. “Câu chuyện sẽ là chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra và sau đó lại phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế công bố trong tháng 7,” ông Steinberg nói.
Sự “bốc hơi” của những đặt cược cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn tăng lên. Lợi suất của những trái phiếu này vốn theo sát kỳ vọng của nhà đầu tư vào chính sách của Fed. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 2 năm đạt 4,48%, từ mức 4,064% hồi cuối tháng 4. Tuy nhiên, sự gia tăng này của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ không khiến thị trường hoảng sợ ở thời điểm hiện nay. Năm ngoái, lợi suất tăng đã khiến cổ phiếu bị bán tháo, đẩy chỉ số S&P 500 giảm gần 20%. Trong tháng 6 này, giá cổ phiếu ở Phố Wall vẫn tăng, mặc cho lợi suất trái phiếu tăng.
Xu thế này – trong đó nhà đầu tư thời gian qua đã hưởng lợi từ kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất và từ những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn mạnh – khiến cho việc dự báo hướng đi của thị trường càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, theo các nhà đầu tư.
Nhà kinh tế trưởng tại Mỹ của ngân hàng Morgan Stanley, bà Ellen Zentner, giữ vững quan điểm cho rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 và duy trì sự “án binh bất động” này cho tới hết năm. Bà dự báo sau đó Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong quý 1/2024.
Một số nhà đầu tư đã thể hiện tin tưởng rằng kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái. Các nhà giao dịch trái phiếu tiếp tục mua vào trái phiếu có định hạng rủi ro cao (junk bond), chỉ đòi hỏi mức lợi suất cao hơn khoảng 4-5 điểm phần trăm so với lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy nhiều nhà đầu tư in tưởng rằng rủi ro vỡ nợ của các công ty có điểm tín nhiệm thấp ở thời điểm này là thấp. Trong những lần suy thoái kinh tế trước kia, nhà đầu tư thường đòi hỏi mức lợi suất cao hơn trên 8 điểm phần trăm so với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, để bù đắp cho rủi ro vỡ nợ tăng cao.
Mặc nguy cơ có suy thoái, khả năng lãi đậm nếu nền kinh tế tránh được suy thoái đã thu hút nhiều nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào những tài sản có độ rủi ro cao hơn – theo giám đốc phụ trách mảng trái phiếu tín nhiệm thấp của ngân hàng Wells Fargo, ông John Gregory. “Có đủ dữ liệu kinh tế tích cực để mọi người tiếp tục tin rằng nền kinh tế có thể hạ cánh mềm. Nếu điều đó là đúng, nhà đầu tư cảm thấy họ cần phải triển khai vốn. Tuy nhiên, rủi ro đối với họ nằm ở chỗ nếu xảy ra suy thoái thật, cuộc suy thoái đó có thể nghiêm trọng hơn dự báo”, ông Gregory nhấn mạnh.