Nhiều dự án bất động sản được đầu tư bài bản trên địa bàn TP. Cần Thơ bắt đầu từ khoảng 20 năm nay, phần lớn dự án có quy mô nhỏ. Bộ mặt đô thị chưa tạo được điểm nhấn. Nhiều dự án kéo dài qua các thời kỳ.
38 DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN TRONG 08 NĂM
Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ, cho biết trong giai đoạn 2015 – 2023, TP. Cần Thơ đã chấp thuận đầu tư cho 38 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, nhưng đã thu hồi 4 dự án vào năm 2023, thành phố đã đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. Có 11 dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Cũng trong giai đoạn này, có khoảng hơn 137.000 nền đất (khoảng 17.125 nền đất giao dịch mỗi năm) và hơn 42.000 nhà ở riêng lẻ được giao dịch buôn bán, chuyển nhượng (khoảng 5.250 căn nhà được chuyển nhượng mỗi năm).
Có 821 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh bất động sản đang hoạt động với tổng vốn điều lệ đăng ký 25.605 tỷ đồng.
Có 05 dự án đang xác định tiền sử dụng đất, 14 dự án đang gặp khó khăn về thủ tục pháp lý và thu hồi 04 dự án.
Về nhà ở xã hội, giai đoạn 2015 – 2023, trên địa bàn thành phố không có dự án nào do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc do doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình bỏ vốn đầu tư. Các dự án nhà ở xã hội phần lớn nằm tại khu vực đô thị và khu công nghiệp đều được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, gồm 06 dự án, dự kiến cung ứng 2.549 căn hộ, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 10.000 người.
Hiện tại đã có 03 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội trên địa bàn và 03 dự án đang tiếp tục được triển khai xây dựng.
Theo UBND TP. Cần Thơ, nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn hiện tại rất lớn so với các dự án đã và đang đầu tư. Thành phố đã quan tâm bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.
GỠ NHANH VƯỚNG MẮC CHO CẦN THƠ
Đại diện Sở Xây dựng TP. Cần Thơ cho biết công tác quản lý nhà nước tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn, nhất là hoạt động mua bán đất nền, nhà ở hình thành trong tương lai. Tính minh bạch của thị trường, từ hoạt động đầu tư, tạo lập bất động sản đến hoạt động giao dịch mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê vẫn còn hạn chế. Các hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản hình thành và phát triển tự phát. Việc mua bán chủ yếu được thực hiện theo hình thức trao tay, không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với việc triển khai thuê, thuê mua nhà ở xã hội, thực tiễn công tác kiểm tra thông tin theo thẩm quyền đối tượng đã có nhà ở, đất ở đang gặp khó, vì chưa có hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nên dễ dẫn đến bỏ sót thông tin đối với người đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mà đã có nhà ở, đất ở trên địa bàn.
Các hoạt động giao dịch chưa được quy định cụ thể của pháp luật, khi phát sinh thành phố rất lúng túng trong công tác quản lý như: đặt cọc, giữ chỗ… thường theo hình thức tự nguyện giữa đôi bên, nhưng thực chất bên nhận đặt cọc, giữ chỗ chưa bảo đảm pháp lý đối với tài sản (cụ thể là chưa có pháp lý đầy đủ về nhà ở, đất ở)…
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án còn chậm hoặc gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Các đối tượng được xét duyệt mua nhà ở xã hội khó tiếp cận được với chính sách do nhiều thủ tục chưa rõ ràng, như quy định điều kiện để được xét duyệt là không có nhà ở, đất ở, nhưng chưa xác định rõ phạm vi “không có nhà ở, đất ở” là trên địa bàn quận, huyện, thành phố hay trên phạm vi cả nước…
Việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội mang lại lợi nhuận không cao; việc thu hồi vốn kéo dài; quy trình xét duyệt đối tượng, phê duyệt giá bán, giá cho thuê và thực hiện bán, cho thuê nhà ở thuộc dự án còn nhiều bước, hồ sơ thủ tục phức tạp; chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Kiến nghị với Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” trên địa bàn TP. Cần Thơ, đại diện các sở, ngành của Cần Thơ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể, cần có quy định để được đầu tư linh hoạt hơn trong phương án kinh doanh phần 20% số diện tích nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại; được điều chỉnh giá bán trong trường hợp vì lý do khách quan, giá vật liệu xây dựng, nhân công… vượt quá dự kiến đầu tư.
Các doanh nghiệp kiến nghị xem xét có chính sách tăng mức biên lợi nhuận cho chủ đầu tư lên khoảng 12%; mở rộng diện khách hàng được mua nhà ở xã hội với tiêu chí đánh giá sát với từng khu vực, loại đô thị.
Đồng thời, cần nghiên cứu ban hành cơ chế giao đất theo từng đợt đối với phần diện tích đã được bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và tạo điều kiện cho nhà đầu tư cũng như người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/can-tho-moi-nam-co-hon-5-200-can-nha-rieng-le-duoc-chuyen-nhuong.htm