Smart Monitor là một dòng sản phẩm khá độc đáo từ Samsung, dường như xóa nhòa ranh giới giữa màn hình máy tính và TV. Đến với 2024, thương hiệu Hàn Quốc tiếp tục nâng cấp dòng sản phẩm này với phiên bản cao cấp nhất là chiếc Samsung M80D.
Nếu như chỉ nhìn ở thiết kế bên ngoài, sẽ rất khó nhận ra đây là một sản phẩm mới vì M80D có ngoại hình rất giống với phiên bản M80C năm ngoái, và thậm chí là cả thế hệ M8 đầu tiên luôn!
Tôi cũng không đánh giá đây là một nhược điểm, vì thiết kế của những chiếc Samsung Smart Monitor từ trước đến nay vẫn khá đẹp, mang hơi hướng đơn giản, hiện đại và không có những yếu tố trang trí thừa.
Phần chân của màn hình được ghép từ 2 mảnh, với phần đế khá lớn để tăng độ chắc chắn. Kiểu thiết kế chân này cũng đã lấy cảm hứng từ chiếc Pro Display XDR từ ‘Táo’.
Những yếu tố trang trí không ở mặt trước mà lại được đưa hết ra mặt sau! Phần chân và ốp nhựa đằng sau màn hình có những đường vân chạy dọc, khi sờ tay vào ta cũng cảm giác nổi lên 1 chút.
Ngoài việc có thiết kế chắc chắn, chân của chiếc M80D cũng có độ linh hoạt cao vì có thể điều chỉnh được ở tất cả các hướng.
Ta có thể điều chỉnh được độ cao, lật lên xuống…
… và thậm chí xoay dọc lên như thế này.
Màn hình được trang bị con quay hồi chuyển, nên khi xoay dọc sẽ phát hiện được và tự động chuyển giao diện theo hướng này. Màn hình ở tư thế xoay dọc sử dụng để xem TikTok, Youtube Short hoặc chỉnh sửa văn bản, lướt các trang web dài sẽ “hết nước chấm”!
Ở 2 cạnh bên của mặt sau ta cũng thấy những lỗ thoát âm dành cho hệ thống loa 10W của màn hình. Hệ thống loa này sử dụng trên thực tế cho âm lượng cũng khá lớn và rõ ràng, nếu chưa có điều kiện mua thêm loa ngoài thì tôi cũng có thể dùng nó luôn.
Các cổng kết nối của màn hình có USB-C, HDMI, 2 cổng USB-A và cổng cấp nguồn hình tròn. Ngay phía dưới các cổng kết nối là nút nguồn kiêm Joystick để điều khiển màn hình.
Một món phụ kiện khá hay với Smart Monitor từ những thế hệ đầu tiên, và vẫn tiếp tục được thừa hưởng bởi M80D là chiếc webcam có thể tháo lắp dễ dàng.
Camera gắn vào mặt lưng màn hình bằng nam châm, có thể điều chỉnh lên, xuống một khoảng nhỏ và có thể đóng nắp hoặc tháo hẳn ra khi không sử dụng tới.
Giống với các thế hệ trước, webcam của M80D được trang bị tính năng quan sát người dùng để tự động zoom lớn, căn chỉnh khung hình. Thành phần này được sử dụng để gọi video call, hoặc dùng để stream, gọi điện với đồng đội trong game khi M80D đã có thể chơi game trực tiếp nhờ Gaming Hub.
Trở lại với mặt trước, ta có một tấm nền VA 16:9 kích thước 32 inch, với tần số làm tươi 60Hz, độ sáng tối đa 400 nits và hỗ trợ chuẩn HDR10+.
Khác với phiên bản Samsung S7 mà chúng ta trải nghiệm trong bài viết trước, Samsung M80D khi mới lấy từ hộp có màu sắc hơi đậm và có xu hướng ngả vàng 1 chút. Rất có thể vì đây là một màn hình được làm để sử dụng đa dụng (làm màn hình máy tính hoặc TV giải trí) nên Samsung cũng muốn chỉnh màu sắc đậm đà, dễ gây ấn tượng hơn. Ta vẫn có thể điều chỉnh lại được về một màu sắc trung tính hơn.
Mặc dù sử dụng tấm nền VA, nhưng M80D có góc nhìn khá rộng. Khi nhìn màn hình từ một góc chéo, màu sắc không bị nhạt đi quá nhiều, độ sáng cũng gần như giữ nguyên.
Điều khiến chiếc màn hình này được gọi là “Smart Monitor” đó là nó chạy hệ điều hành Tizen giống với những chiếc TV của Samsung. Điều này mở ra nhiều cách sử dụng khác nhau chứ không chỉ giới hạn ở những kết nối có dây của màn hình.
Một tính năng cũng đã được đem từ những chiếc TV Samsung lên M80D là AI Upscaling, cho phép nâng cấp những nội dung ở độ phân giải thấp lên 4K để phù hợp với độ phân giải màn hình.
Ta có thể sử dụng màn hình độc lập với các ứng dụng stream như Youtube, Netflix, VTV Go, VieOn, Apple TV đã được cài sẵn, sử dụng để lướt web với trình duyệt. Khi kết nối với điện thoại Samsung thì màn hình sẽ hiển thị giao diện DeX, một giao diện gần giống với máy tính để hỗ trợ công việc.
Với phiên bản M80D, Samsung cũng bổ sung thêm một vài tính năng mang tính “Hệ sinh thái” giúp màn hình hoạt động nhịp nhàng với các sản phẩm khác từ Samsung. Đầu tiên là Multi Control, cho phép sử dụng một bộ bàn phím, chuột để điều khiển chung màn hình và các thiết bị Galaxy khác (smartphone, máy tính bảng).
Khi di chuyển chuột giữa các thiết bị, ta cũng có thể “kéo” các nội dung như tệp, chữ theo. Ví dụ như tôi muốn sao chép một đoạn chữ, thì có thể dùng chuột bôi đen, nhấn Copy rồi di chuyển chuột tới màn hình rồi nhấn Paste. Tính năng này tôi đánh giá là chưa thực sự hoàn chỉnh, vì vẫn có những ứng dụng không hỗ trợ và sẽ hiển thị thông báo lỗi.
Ngoài ra, âm thanh Spatial Audio cũng đã được bổ sung lên màn hình khi sử dụng với tai nghe Galaxy Buds từ thế hệ 2 trở lên. Có lẽ tính năng này sử dụng với một màn hình như M80D là hợp lý hơn so với các thiết bị di động, vì âm thanh sẽ luôn “gắn” với vị trí của màn hình, giả lập lại việc sử dụng loa ngoài.
Nhìn chung, Samsung M80D có thiết kế cho tới cách sử dụng không khác gì so với những thế hệ trước đó. Những tính năng mới tăng độ “Smart” của màn hình, nhưng cũng đòi hỏi bạn cần phải đầu tư vào hệ sinh thái của Samsung, ít nhất là một chiếc smartphone và tai nghe Galaxy Buds để trải nghiệm.
Nguồn tin: https://genk.vn/trai-nghiem-man-hinh-thong-minh-samsung-m80d-tinh-da-dung-cao-co-them-cac-tinh-nang-he-sinh-thai-20240718173545265.chn