Nến thơm có thể gây rối loạn hormone
Bạn đang lên kế hoạch cho một bữa tối dưới ánh nến cùng với gia đình, hay chỉ đơn giản là muốn có một đêm yên tĩnh, cuộn tròn với một cuốn sách, hoặc thư giãn trong sự dễ chịu của những ngọn nến thơm? Bạn có thể vô tình đang tự hủy hoại mình.
Theo Tiến sĩ Srinivas Kandula, những ngọn nến thơm này giải phóng các chất độc có thể đe dọa phá vỡ sức khỏe của bạn theo nhiều cách hơn bạn có thể tưởng tượng.
Trong đó, nến thơm được biết là giải phóng các hạt vào không khí mà chúng ta hít vào, đặc biệt là trong nhà và ở không gian kín. Theo các nghiên cứu đã được tiến hành, việc thắp nến thơm có thể phá vỡ hormone do sự hiện diện của phthalate có trong hương liệu được sử dụng trong sản xuất nến.
Tiến sĩ Srinivas Kandula chia sẻ, những hóa chất phthalate này được đưa vào nến để tạo hương thơm lâu dài và tăng độ dẻo dai của nhựa và sáp nến. Phthalate được biết là có thể phá vỡ các hormone, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như giảm khả năng sinh sản và thậm chí có thể gây ung thư.
“Nến thơm cũng chứa các dẫn xuất hóa học như parafin, paraben và các thành phần tổng hợp khác có thể ảnh hưởng đến hormone”, Tiến sĩ Kandula nói thêm.
Một số biện pháp phòng ngừa
Tiến sĩ Kandula gợi ý nên chọn không gian thông gió tốt khi thắp nến. Bởi, khi sử dụng nến trong nhà, chúng ta dễ hít phải chất độc có trong nến hơn.
Bằng cách hạn chế tần suất sử dụng, vấn đề này cũng có thể được ngăn chặn. Ông khuyên không nên thắp nến thơm mỗi ngày.
Tiến sĩ Kandula cho biết, nên chọn hương thơm tự nhiên thay vì nến có chứa hương thơm tổng hợp.
“Đừng để nến cháy trong thời gian dài hoặc qua đêm, và để xa tầm tay trẻ em và các vật dễ cháy trong nhà. Luôn cắt bấc nến trước khi thắp nến. Điều này có thể giúp ngăn ngừa việc sản sinh muội than, hay còn gọi là cặn đen còn sót lại trong không khí”, ông chỉ rõ.
Giải pháp thay thế an toàn và không độc hại
Tiến sĩ Kandula cho rằng, điều quan trọng là phải lựa chọn các giải pháp thay thế không độc hại và không gây hại cho sức khỏe của bạn.
“Người ta có thể lựa chọn nến làm từ sáp ong. Hoặc một lựa chọn khác cho nến không độc hại có thể được làm từ sáp đậu nành. Gần đây, nến sáp dừa cũng trở nên phổ biến hơn. Những loại nến này ít gây nguy cơ cho sức khỏe hơn so với nến làm bằng hóa chất”, ông Kandula tư vấn.
Về mặt hương thơm, ông khuyên nên sử dụng tinh dầu thiên nhiên. Ngoài ra, việc tìm kiếm các vật liệu có trong nến có thể giúp giảm nguy cơ phản ứng dị ứng.
“Bạn có thể thắp nến 2 hoặc 3 lần một tuần. Trong một tháng, không nên thắp nến thơm quá 12 lần”, bác sĩ Kandula nói.
Cũng theo vị bác sĩ này, các yếu tố như thời gian cháy nến, vật liệu làm nến, loại không gian sử dụng để đốt nến đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định yếu tố rủi ro sức khỏe.
Nếu gia đình có người nhạy cảm bị hen suyễn, trẻ nhỏ hoặc vật nuôi thì điều quan trọng là phải thận trọng và không nên thường xuyên sử dụng nến thơm.