Tiến sĩ Julia Digangi là một nhà thần kinh học ở Mỹ. Cô đã hoàn thành khóa nội trú tại Trường Y Harvard và Trường Y Đại học Boston, Mỹ. Trong sự nghiệp của mình, cô dạy mọi người cách giao tiếp để cải thiện mối các quan hệ trở nên bền chặt, lành mạnh và thấu hiểu hơn. Đặc biệt, trong vấn đề dạy dỗ con cái, cô cho biết có 3 câu nói cha mẹ không nên sử dụng với con mình.
1. “Sao con không cố hơn nữa?”
Bộ não được “lập trình” trở nên xuất sắc chỉ khi ở trong một tình huống có thể làm được. Chính vì thế khi trẻ gặp khó khăn, không phải vì chúng không muốn làm tốt mà đơn giản là vì chúng không thể.
Nói cách khác, vấn đề không phải là động lực của trẻ, mà do sự khác biệt giữa kỳ vọng của cha mẹ và khả năng của đứa trẻ.
Ví dụ:
Giả sử con bạn dành quá nhiều thời gian để chơi trò chơi điện tử và quá ít thời gian cho việc đọc sách.
Cha mẹ không nên nói “sao con không cố mà đọc sách có phải tốt hơn không“, “sao con không cố hơn nữa“. Thay vào đó, cha mẹ hãy thử nói một câu hỏi mở: “Mẹ thấy con thực sự thích trò chơi điện tử. Mẹ rất muốn nghe con chia sẻ lý do tại sao con thích chúng nhiều đến vậy. Con có thể chia sẻ với mẹ không?“.
2. “Sao con không chịu nghe mẹ nói?”
Tiến sĩ Julia từng làm việc với cha mẹ có đứa con gái gặp khó khăn về cảm xúc. Họ thất vọng vì tại phòng khám bác sĩ, đứa con từ chối bước ra khỏi xe.
Nhưng một khi Julia mời cô bé vào cuộc trò chuyện, cô biết được rằng thực sự cô bé cảm thấy khó chịu bởi tiếng nhạc được phát trong phòng khám. Vấn đề này dễ dàng được khắc phục bằng một cặp nút nhét tai.
Cuối cùng, vấn đề thực sự là cha mẹ không lắng nghe nhu cầu của con mình.
Bộ não của trẻ em được kết nối để tự chủ và có nhu cầu khám phá thế giới dựa trên bản sắc riêng của chúng, chứ không phải niềm tin của cha mẹ về việc chúng nên như thế nào.
Nếu cha mẹ đang rơi vào tình trạng bất đồng với một đứa con có vẻ cố chấp, thay vì hỏi chúng tại sao không chịu nghe lời, hãy cân nhắc hỏi: “Con có thể lắng nghe mẹ nói không?“.
Cha mẹ có EQ cao không dạy con bằng cách ra lệnh mà là kết nối. Họ biết được rằng, họ sẽ sẵn sàng lắng nghe về những gì đã xảy ra với con mình.
3. “Con không biết tôn trọng người khác hả?”
Tiến sĩ Julia thường thấy cha mẹ vội vàng đưa ra những kết luận hoặc dán nhãn về hành vi của con mình dựa trên sự bất an của chính họ.
Một cặp vợ chồng nói với Julia rằng: “Con cái không tôn trọng chúng tôi“, vì bọn trẻ không bao giờ nghe lời khi được bảo phải làm bài tập về nhà. Tuy nhiên, đáp trả lại điều này, đứa con tuổi teen của họ dõng dạc nói: “Con có tôn trọng cha mẹ. Chỉ là môn học đó quá khó đối với con“.
Điều cha mẹ cần làm là không đưa ra những câu hỏi mang tính phán xét, sau đó bày tỏ mình sẵn sàng lắng nghe con nòi.
Cha mẹ có thể nói rằng: “Mẹ nhận thấy con chỉ được 6 điểm trong bài kiểm tra khoa học gần đây. Con có muốn chia sẻ gì đó không? Mẹ chỉ muốn nghe suy nghĩ thực sự của con“.
Trên thực tế, cảm xúc của con cái ảnh hưởng tới cha mẹ. Khi trẻ bối rối, cha mẹ cũng bối rối theo. Vì thế, khi những cảm xúc mạnh mẽ dâng lên, điều tự nhiên là cha mẹ muốn kiểm soát cảm xúc của con mình bằng cách bảo chúng im lặng, bình tĩnh lại hoặc lắng nghe kỹ hơn. Nhưng với tư cách là cha mẹ, việc của bạn không phải là kiểm soát cảm xúc của con mà là làm chủ cảm xúc của chính mình.
Nguồn tin: https://cafef.vn/nha-tam-ly-hoc-than-kinh-tiet-lo-cha-me-co-eq-cao-khong-bao-gio-noi-voi-3-cau-nay-voi-con-minh-188240714200355808.chn