HĐQT CTCP Sữa Quốc tế (IDP) vừa thông qua việc giải thể công ty con là CTCP Đầu tư Green Light. Mục đích nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư.
2 “đại gia” làm trái ngành cũng vừa tuyên bố rút lui khỏi bất động sản
Green Light chuyên kinh doanh bất động sản, được lập hồi tháng 8/2022. Lúc mới thành lập, Green Light có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của IDP là 499,9 tỷ, tương đương 99,98% vốn điều lệ.
IDP được biết đến là “tay chơi” mới trong ngành sữa có quá nhiều “tay to”. Dĩ nhiên bất động sản là mảng đầu tư thêm của doanh nghiệp. Trong bối cảnh nhu cầu yếu, chi phí đầu tư tăng, chưa kể IDP đang dốc sức cho quảng cáo, marketing để đạt mức tăng trưởng ấn tượng khiến Công ty phải cơ cấu lại nguồn lực. Bao gồm quyết định rút khỏi mảng bất động sản.
Trước đó, một doanh nghiệp lớn trên sàn cũng có động thái tương tự. Tháng 4 vừa qua, CTCP Nam Việt (Navico, ANV) đã ra nghị quyết về việc giải thể Công ty TNHH MTV Bất động sản Nam Việt sau 1 năm thành lập. Lý do được đưa ra là vì không còn nhu cầu hoạt động kinh doanh.
Trong khi mới đây tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, CEO là ông Doãn Tới rất hào hứng chia sẻ với cổ đông về tiềm năng của mảng kinh doanh bất động sản, rằng Công ty đang sở hữu quỹ đất có giá trị thị trường cao gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách. ANV cũng công công bố 2 dự án bất động sản, năm 2023 dự tiếp tục công bố thêm 2 dự án nữa.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, hoạt động kinh doanh cá tra không còn thuận lợi, do ảnh hưởng của lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu. Trong khi thị trường bất động sản “đóng băng” khiến mọi kỳ vọng không thành. Trước khi bị giải thể, công ty bất động sản của ANV đã giảm mạnh vốn điều lệ từ 81 tỷ còn 9 tỷ đồng (có thể do thua lỗ) vào tháng 7/2022.
Trung bình mỗi ngày có đến 4 công ty bất động sản giải thể
Từng là mảng đầu tư thêm trên tài sản sẵn có và mang lại lợi nhuận lớn, mảng bất động sản đang đứng trước loạt khó khăn. Trong khi cầu yếu, doanh nghiệp cần dồn nguồn lực cho mảng cốt lõi, nhiều đơn vị dứt khoát rút khỏi mảng này.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng chứng kiến làn sóng giải thể hàng loạt. Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ có 1.744 doanh nghiệp, giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 554 đơn vị, tăng tới 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi ngày có đến 4 công ty bất động sản giải thể. Các công ty bất động sản lớn hiện nay cũng đối mặt với rất nhiều áp lực. Đơn cử, Novaland gây chú ý khi vừa công bố kế hoạch lãi năm 2023 giảm hơn 90% so với cùng kỳ.
Những “vết xe đổ” nhìn từ FPT và Gemadept
Ở diễn biến khác, trong điều kiện thị trường tăng trưởng, không phải ai đầu tư trái ngành sang bất động sản cũng thành công. Trên sàn chứng khoán, nhiều doanh nghiệp tận dụng quỹ đất sẵn có phát triển dự án nhà ở, hoặc văn phòng cho thuê với hy vọng tạo được nguồn thu lớn. Song, không ít trường hợp thất bại, và hệ quả là “chôn vốn” nhiều năm liền và liên tục bị cổ đông chất vấn.
Đơn cử, những năm 2011 – 2012, Tập đoàn FPT gây chú ý với tuyên bố sẽ tham gia phát triển dự án căn hộ nhỏ. Nhiều năm sau đó, tập đoàn này cũng chỉ dừng lại ở phát triển một dự án duy nhất tại Đà Nẵng. Đên năm 2017, FPT quyết định cấu trúc lại hệ thống, trong đó thoái vốn mảng bán lẻ để tập trung vào lĩnh vực công nghệ.
Tương tự, Gemadept cũng từng lân la làm địa ốc và có được 3 công trình, dự án bất động sản lớn. Bao gồm toà cao ốc Gemadep Tower (số 6 Lê Thánh Tôn, Tp.HCM), dự án Khu phức hợp Saigon Gem (khu đất giao đường Lê Lợi và 77 – 89B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tp.HCM), dự án Tổ hợp khách sạn – Trung tâm thương mại tại Vientian (Lào).
Dù vị trí đắc địa, song áp lực sử dụng đòn bẩy và sự chậm trong triển khai khiến “đại gia” cảng biển dần “nguội lạnh” với bất động sản. Năm 2015, lãnh đạo chính thức tuyên bố sẽ thoái vốn khỏi mảng này, tập trung nguồn lực cho 2 mảng kinh doanh cốt lõi là cảng biển và logistics đang tăng trưởng rất tốt.