Gia đình bốn người của diễn viên Bùi Bài Bình từng sống chen chúc trên gác xép, con trai ông chỉ ước được nằm trên một chiếc giường.
Ngoài đời, nghệ sĩ Bùi Bài Bình có lối nói chuyện nhỏ nhẹ, kín đáo. Nhiều người lần đầu gặp hay hỏi ông về cái tên lạ, với ba chữ đều bắt đầu bằng vần “B” và thanh huyền. Ông lý giải cả dòng họ đều lấy tên Bùi Bài. Ông sinh năm 1956, hai năm sau ngày kháng chiến chống Pháp thành công, nên bố mẹ lấy từ Bình trong “hòa bình”. “Cái tên vận vào người, cuộc sống, tính cách của tôi cũng bình đạm, giản đơn như vậy”, nghệ sĩ nói.
Ở tuổi 68, trong khi nhiều bạn bè cùng lứa đã nghỉ ngơi nhiều năm, ông vẫn đóng phim đều đặn. Năm ngoái, ông vào vai người bố trong phim Gia đình mình vui bất thình lình, Cuộc chiến không giới tuyến. Nghệ sĩ chuẩn bị tham gia dự án Hà Nội trong mắt em, nói về cuộc sống thủ đô thời hiện đại.
Bà xã ủng hộ ông đi làm phim bởi mỗi lần vào đoàn, nghệ sĩ sinh hoạt nề nếp hơn, bớt nhậu nhẹt, lại có thêm đồng ra đồng vào. Những lúc ở nhà, ông chăm sóc cây cối, nuôi chim làm niềm vui. Nghệ sĩ có hai con trai, con cả làm ngân hàng, con út làm đạo diễn. Con thứ mới kết hôn nên nhà ông có thêm thành viên mới. Chiều chiều, gia đình rôm rả hơn bởi con cái tan làm, kể đủ chuyện trên trời dưới biển.
Nghệ sĩ Bùi Bài Bình nói mình “khổ từ bé”, dòng đời “xô đẩy” đến với nghệ thuật. Nhà ở phố cổ Hà Nội nhưng thời gian ông sống ở thành phố không nhiều, do liên tục sơ tán. Năm 1972, khi đang học lớp 8 ở Chương Mỹ (Hà Tây cũ), ông chán cảnh chạy đi chạy lại khắp nơi nên bỏ ngang học nghề, làm cơ khí, sửa chữa ô tô, vào Công ty Cầu đường Hà Nội. Làm công nhân gần một năm, ông nghe tin trường điện ảnh tuyển sinh khóa hai nên cùng bạn bè đến xem cho biết.
Đến lượt mình, ông nghĩ ra tình huống có một cái ví bị rơi nhưng chưa ai đến nhận. Ông đảo mắt, nhìn trước ngó sau, giả vờ hỏi xem của ai rồi nhanh như cắt nhét vào túi. Đạo diễn Phạm Văn Khoa ấn tượng ông có khuôn mặt hiền lành, ngơ ngác nhưng lại diễn được đôi mắt “gian” nên cho qua. Bố mẹ khuyên ông: “Cả nhà là công nhân, thợ nề, dệt chỉ, làm gì có ai là diễn viên, theo nghề này rồi có nên cơm cháo gì không. Chỉ sợ học một năm lại bị cho nghỉ thì sao?”. Ngược lại, các chị gái động viên, khuyên ông học thử.
Cơ hội không chỉ đưa ông đến với nghề diễn mà còn giúp ông gặp được người bạn đời gắn bó hơn 40 năm. Những ngày đi học, nghệ sĩ dần cảm mến bạn cùng lớp Ngọc Thu, người có gương mặt phúc hậu, ở cách chỗ ông một bến tàu điện. Năm 1981, họ về chung một nhà rồi có hai con trai.
“Chúng tôi cùng ở Hãng Phim truyện Việt Nam, lương không được bao nhiêu nhưng mỗi tháng, hai vợ chồng có một ít phụ cấp thanh sắc. Hai vợ chồng không dám ăn, bán lại để lấy tiền chi tiêu”, nghệ sĩ hồi tưởng.
Những năm 1990, thấy cuộc sống không khấm khá hơn, vợ ông về hưu sớm, mở quán cà phê ở phố Tô Hiến Thành. Lúc đầu, ông ngăn nhà làm đôi, một nửa để ở, một nửa bán hàng. Về sau, hai vợ chồng bàn bạc, làm thêm gác xép để cả nhà chuyển lên sinh hoạt. Sống cảnh chật chội, có lần con út ông thỉnh thoảng nói với bố: “Con chỉ ước được nằm ở giường thôi”. Thời gian này, Bùi Bài Bình cũng bỏ nghề, theo bạn học kinh doanh, làm “con buôn” 10 năm. Nhờ những ngày buôn bán mà khi căn nhà Tô Hiến Thành bị họ hàng đòi lại, vợ chồng ông mới có tiền mua căn khác ở Đoàn Trần Nghiệp.
Diễn viên luôn biết ơn bà xã vì đứng sau thành công của ông trong nghề. Thời trẻ, ông đi đóng phim nhiều nhưng bà chẳng bao giờ ghen tuông. Ông hài hước kể: “Phim ngày xưa chẳng có cảnh gì nhạy cảm. Đóng hai người yêu nhau, lúc chuẩn bị hôn, đạo diễn sẽ để cho tàu hỏa chạy qua hay có người xuất hiện. Chúng tôi lại quá hiểu rõ tính cách nhau nên luôn tin tưởng”. Sau thời gian chồng lăn lộn buôn bán, bà lại là người khuyên ông trở lại đóng phim Mùa ổi, đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Trong hơn 40 năm theo nghề diễn, nghệ sĩ Bùi Bài Bình tự hào vì được hóa thân đủ nhân vật, từ chính diện đến phản diện, với nhiều màu sắc. Năm 1975, ông có vai dài hơi đầu tiên, một anh thanh niên hài hước trong Kén rể. Khi ấy, đạo diễn Phạm Văn Khoa – người từng chấm ông đỗ trường điện ảnh – yêu cầu đoàn phim tìm lại “cậu thanh niên có hai cái răng khểnh rất duyên” mà ông từng gặp trong buổi tuyển sinh.
Bùi Bài Bình có duyên với điện ảnh lẫn truyền hình. Trên màn ảnh nhỏ, ông để lại dấu ấn với vai lão Tòng gian ác, đểu cáng trong Ma làng. Vai diễn sinh động đến nỗi khi ông ra đường, nhiều người chỉ trỏ: “Nhìn hiền thế mà đóng ác nhỉ”, “Hay đấy mới là tính cách thật”.
Ông nhớ câu đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng nói với mình khi làm phim: “Muốn đóng được vai con ma, phải sống cho ra con người”. Nghệ sĩ vì thế luôn tìm tòi quan sát những người ông gặp mỗi ngày, từ bà hàng nước, anh xe ôm cho đến chị công nhân, anh nông dân. Ông quan niệm: “Nghệ sĩ phải sống, phải quan sát, chắt chiu chất liệu, phân biệt đâu là thiện, đâu là ác. Để thể hiện được cái ác, sự lưu manh trên màn ảnh là cả một quá trình tích lũy, chiêm nghiệm”.
Với điện ảnh, vai anh Hòa ngớ ngẩn trong Mùa ổi giúp ông giành giải Bông Sen Vàng cho Nam diễn viên chính xuất sắc. Do cú ngã từ trên cây ổi lúc bé, nhân vật bị ảnh hưởng trí nhớ, chỉ như một đứa trẻ, thường bị người khác lợi dụng vì ngờ nghệch, lương thiện. Ở tuổi trung niên, ông Hòa vẫn lẫn lộn giữa thực tại và quá khứ. Ông thường tìm về căn nhà xưa, ngắm nhìn cây ổi và sống với những ký ức đẹp của tuổi thơ.
Giống nhiều đồng nghiệp thuộc thế hệ vàng của điện ảnh Việt, Bùi Bài Bình chưa bao giờ đặt nặng chuyện cát-xê. Ông nhớ thù lao đóng phim Ma làng là 500.000 đồng một tập. Vai Tô Trung Thứ trong Trần Thủ Độ nhận 1,5 triệu đồng một tập. Mức cát-xê cao nhất ông từng nhận là 100 triệu đồng, trừ thuế còn 90 triệu đồng, cho một năm đóng phim Nhà tiên tri.
“Ngoài đời lẫn trong phim, tôi đều trải qua nhiều gian khó lẫn ngọt bùi. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được sống nhiều thân phận, nhìn ngắm cuộc đời qua những lăng kính khác nhau để hiểu đến tận cùng nhân sinh. Tôi không còn nuối tiếc điều gì, chỉ mong có đủ sức khỏe, được gắn bó nghề diễn viên đến hết đời”.
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nghe-si-bui-bai-binh-song-doi-gian-di-4769283.html