Đại đức Thích Nhuận Đức, thuộc Tổ đình Hộ Pháp ở Bà Rịa – Vũng Tàu, bị cấm thuyết giảng không thời hạn dưới mọi hình thức vì có lời khiếm nhã về người Khmer.
Hình thức kỷ luật Đại đức Thích Nhuận Đức được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương, chư tôn đức lãnh đạo đặc trách hệ phái Nam tông Khmer cùng Văn phòng II Trung ương Giáo hội đưa ra hôm qua, theo cổng thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đại đức Thích Nhuận Đức bị xác định đã thuyết giảng không ái ngữ, có lời khiếm nhã với đồng bào Khmer vào năm 2023. Trước đó, đại đức bị cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong một năm vì có những bài giảng gây tranh cãi.
Ngoài cấm thuyết giảng vô thời hạn, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu đại đức Thích Nhuận Đức phải thành tâm sám hối với Trung ương Giáo hội và Hệ phái Phật giáo Nam Tông Khmer, xin lỗi đồng bào và Phật tử Khmer.
Đại đức cũng phải thực hiện biệt chúng sám hối đúng Luật Phật. Thời hiệu thực hiện việc sám hối không thời hạn cho đến khi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thay đổi biện pháp. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Ban quản trị tổ đình Hộ Pháp được giao trách nhiệm giám sát thi hành kỷ luật.
Trước đó, ngày 4/6, lãnh đạo Ban Thường trực Hội đồng Trị sự; lãnh đạo các Ban Hoằng pháp, Pháp chế, Kiểm soát, Thông tin – Truyền thông và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã làm việc với đại đức Thích Nhuận Đức, tại thiền viện Quảng Đức (quận 3, TP HCM).
Buổi làm việc đã xác định các phát ngôn, nội dung thuyết giảng trong các video trên mạng xã hội của đại đức Thích Nhuận Đức sai tôn chỉ, giáo lý, giáo luật Phật giáo; vi phạm các quy tắc thuyết giảng của Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đại đức Thích Nhuận Đức đã nhận thức về sai phạm của mình, gỡ những bài giảng nhạy cảm khỏi mạng xã hội, không thuyết giảng để thực hiện sám hối…
Đại đức Thích Nhuận Đức tên thật là Nguyễn Xuân Khánh, 45 tuổi, quê ở An Giang. Ông xuất gia năm 2000, từng tu học tại chùa Giác Nguyên (Đăk Lăk). Ông thường giảng dạy Phật pháp tại chùa Lâm Tỳ Ni, Đăk Lăk; Tổ đình Hộ Pháp, Bà Rịa – Vũng Tàu và nhiều nơi khác trên cả nước. Hàng nghìn bài pháp thoại của ông được đăng trên Internet.
Theo cổng thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại đức (Bhadanta) là danh xưng thể hiện sự kính trọng đối với một tu sĩ Phật giáo có trí tuệ, đức độ, các bậc cao tăng, thạc đức, vị Tăng thống.
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dai-duc-thich-nhuan-duc-bi-cam-thuyet-giang-khong-thoi-han-4768270.html