“Tương lai là tuần hoàn, tương lai là xanh hoặc không có tương lai ”, câu nói đáng chú ý tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn thế giới năm 2023 tiếp tục được các chuyên gia dẫn lại tại toạ đàm phát triển bền vững mới đây.
Có thể nói, nền kinh tế xanh, bền vững, tiêu chuẩn ESG… là những từ khoá được nhắc đến nhiều trong các câu chuyện kinh doanh hiện nay. Đây không còn là khẩu hiệu mà là điều bắt buột quyết định sự sống còn của doanh nghiệp (DN), nhất là nhóm xuất khẩu.
Báo cáo của Nielsen cho thấy, thị trường toàn cầu cho các sản phẩm “xanh” đang tăng trưởng nhanh hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với các sản phẩm nâu, truyền thống cùng loại. Trước những chuyển động này của thế giới, các DN Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước các rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế, nhưng cũng đồng thời buộc phải theo mới cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh.
Theo các chuyên gia, “xanh hoá” đang mở ra thị trường mới cho nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng, trong “cơn bĩ cực” chưa từng có khi miếng bánh trong nước ngày càng o hẹp và cạnh tranh thì khốc liệt. Đây cũng là chỉ tiêu bắt buột nếu DN muốn phát triển thị trường xuất khẩu.
Nhiều DN cũng có chung góc nhìn rằng khi thực hiện xanh hóa sẽ mang lại nhiều cơ hội như tiếp cận thị trường quốc tế, cải thiện hình ảnh từ đó tăng cường hiệu quả sản xuất, nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh giúp DN Việt Nam tiếp cận được các thị trường phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản – nơi có nhu cầu cao về sản phẩm thân thiện môi trường.
Thực tế, trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh như: nhóm tiêu chuẩn về chất lượng môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước, quản lý chất thải, tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ ISO 11041…
Về phía DN, nhiều bên đã và đang chịu chi đầu tư sản xuất vật liệu theo hướng xanh. Đơn cử, sau một thời gian dài nghiên cứu và phát triển sản phẩm, CTCP Đầu tư xuất nhập khẩu vật liệu xanh (Green BM) vừa đưa ra được giải pháp tôn và ngói nhựa nguyên sinh đầu tiên cho thị trường Việt Nam. Trong đó, tôn nhựa, ngói nhựa lõi xanh Green BM là dòng sản phẩm được sản xuất từ nhựa từ 3 lớp nhựa PVC nguyên sinh và 1 lớp nhựa phủ ASA, sử dụng công thức đặc biệt trên quy trình đùn với áp suất và nhiệt độ cao, giúp tạo ra sản phẩm với nhiều ưu điểm vượt trội. Đây cũng là sản phẩm tôn ngói nhựa nguyên sinh đầu tiên do một công ty Việt Nam tự sản xuất.
Hay CTCP Xi măng Xuân Thành (Hà Nam) đã mạnh dạn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất xi măng không khói bụi. Trong đó, nổi bật là ứng dụng máy thu phát điện nhiệt dư, thực hiện thu toàn bộ nhiệt thừa trong quá trình sản xuất clinker để tạo ra điện năng với công suất 24.800 kWh. Lượng điện tạo ra được sử dụng để phục vụ cho quá trình sản xuất, đáp ứng 30% tổng lượng điện tiêu thụ của toàn nhà máy. Nhờ đó, Công ty tiết kiệm được hàng tỷ đồng mỗi năm.
“Ông lớn” Thuỵ điển là Sika cũng sớm đề chiến lược đến năm 2028, cam kết giảm 20% khí thải nhà kính, giảm 15% tài nguyên thiên nhiên trong xử lý chất thải và lượng nước xả trên mỗi tấn hàng hóa bán ra, đảm bảo các sản phẩm đều đạt tiêu chí chất lượng SPM theo mô hình của Hội đồng Doanh nghiệp thế giới. Tại Việt Nam, nhà máy Sika đã đầu tư hệ thống nước làm mát với dây chuyền công nghệ hiện đại để thu hồi và tái sử dụng nguồn nhiệt thải nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Đồng nghĩa với việc này, nhà máy đã không cần phải sử dụng tới lò hơi, ngưng sử dụng LPG, góp giảm thiểu CO2, khí thải nhà kính…
Dưới góc nhìn của một DN đã xuất khẩu sản phẩm đến nhiều quốc gia trên thế giới, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc CTCP Secoin (mệnh danh là “ông trùm” gạch không nung tại Việt Nam) chia sẻ khi ra thế giới người ta quan tâm đến sản phẩm Việt chứ không quan tâm đến từng thương hiệu, vì vậy cần tạo dựng một cộng đồng DN xanh, góp phần lan tỏa thương hiệu Việt.
“Có thể dẫn chứng trường hợp cộng đồng ngành dệt may Bangladesh đã nhanh chân trong chuỗi xanh hóa khiến ngành dệt may của chúng ta bị mất cơ hội” , bà Hương nhấn mạnh.
Điểm qua về việc xuất khẩu vật liệu xây dựng của Việt Nam, từ một nước nhập khẩu hầu hết vật liệu, Việt Nam hiện đã sản xuất được những sản phẩm vật liệu xây dựng đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước và dư ra khoảng 10 – 30% công suất phục vụ cho xuất khẩu. Có nhiều nhà máy phục vụ lên đến 90% cho thị trường nước ngoài.
Đến nay, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đã xuất khẩu được trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điển hình về sự phát triển năng lực sản xuất và xuất khẩu vật liệu xây dựng của Việt Nam có thể kể tới là xuất khẩu xi măng. Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), công suất sản lượng xi măng của Việt Nam vào năm 2022 đạt khoảng 100 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới và đặc biệt là đứng hạng nhất về xuất khẩu xi măng.
Với ngành gỗ, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, là quốc gia thứ 5 trên thế giới về chế biến, xuất khẩu gỗ và đứng thứ hạng cao nhất xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam được mở rộng đến trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hay ngành gạch ốp lát tại Việt Nam cũng vươn lên vị trí thứ 4 trong top 10 nước sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới và đứng đầu ASEAN….
Các chuyên gia nhấn mạnh, mặc dù chúng ta đang tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu, nhưng vẫn chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Chính vì vậy, rất cần đặt chiến lược tư duy tuần hoàn để phù hợp với công nghệ, thị trường… Bởi, khi ta có sản phẩm xanh, ta dễ dàng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và đây cũng là tấm “hộ chiếu xanh” quyền lực toàn cầu cho DN.
Nguồn tin: https://cafef.vn/dn-viet-dau-tien-tu-san-xuat-duoc-ton-ngoi-nhua-nguyen-sinh-no-luc-xanh-hoa-san-pham-la-con-duong-can-thiet-dua-thi-truong-xay-dung-vlxd-di-qua-con-bi-cuc-188240710140510387.chn