Chiều 31-5, sau nhiều ngày xét xử, TAND TP HCM tuyên án đối với 10 bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (CNS) trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí 22 tỉ đồng.
Theo HĐXX, CNS là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP HCM. Từ năm 2015 – 2018, các bị cáo đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí 22 tỉ đồng. Trong đó, các bị cáo quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng của CNS gây thất thoát hơn 17,3 tỉ đồng; thoái vốn sai quy định tại TIE (công ty con của CNS) gây thất thoát gần 4,7 tỉ đồng.
Các bị cáo tại phiên tuyên án
Từ đó, HĐXX tuyên các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Các bị cáo không được hưởng lợi trong vụ án. Toàn bộ thất thoát từ quỹ khen thưởng đã được CNS thu hồi, thiệt hại từ sai phạm thoái vốn cũng được các bị cáo nộp khắc phục xong.
HĐXX nhận định việc các bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền thiệt hại trong vụ án là 22 tỉ đồng trước phiên xét xử là tình tiết đặc biệt để xem xét giảm án cho các bị cáo.
Bị cáo Chu Tiến Dũng chịu trách nhiệm chính đối với việc thất thoát quỹ khen thưởng của CNS, đồng phạm giúp sức với bị cáo Nguyễn Hoành Hoa trong sai phạm thoái vốn, tổng số tiền bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự là 22 tỉ đồng.
Bị cáo Đỗ Văn Ngà là đồng phạm quan trọng với Chu Tiến Dũng, đồng phạm với Nguyễn Hoành Hoa trong sai phạm thoái vốn.
Bị cáo Nguyễn Hoành Hoa chịu trách nhiệm chính trong sai phạm thoái vốn gây thất thoát 4,7 tỉ đồng.
Các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức.
Về quan điểm cho rằng quỹ khen thưởng không phải tài sản nhà nước, HĐXX nhận định CNS là doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện theo đúng các quy định của nhà nước trong chi, khen thưởng các cá nhân ngoài CNS. Về quan điểm cho rằng các bị cáo đã thoái vốn đúng thời điểm, bằng chứng là giá cổ phiếu của TIE (công ty con của CNS) rớt giá trên thị trường, HĐXX đánh giá đây là suy diễn, chủ quan không có căn cứ vì thiệt hại đã được ghi nhận.
Mặt khác, HĐXX cũng xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ mức hình phạt cho các bị cáo như: Có nhiều thành tích xuất sắc, gia đình có công với cách mạng…
Ngoài tội danh đã được xác định như trên, HĐXX cấp sơ thẩm cũng xem xét một số hành vi khác của các bị cáo tại CNS và 4 công ty con và có nhận định như sau:
– Đối với hành vi như CNS mở thẻ tín dụng và chi tiền thanh toán chi phí sử dụng thẻ cho 9 lãnh đạo, các bị cáo đã nộp lại tiền.
– Đối với hành vi CNS chi tiền thanh toán chi phí chuyến đi công tác nước ngoài của ông Chu Tiến Dũng: Xác định ông Dũng có 2 chuyến đi Mỹ, có giấy xác nhận đi công tác, do đó không có căn cứ xử lý vi phạm pháp luật.
– Đối với đơn tố cáo ông Chu Tiến Dũng nhận 3,6 tỉ đồng “chăm sóc khách hàng” từ Công ty Bảo hiểm thông qua việc chỉ đạo mua bảo hiểm nhân thọ trái pháp luật cho người lao động tại CNS: HĐXX nhận định ông Chu Tiến Dũng đã chỉ đạo mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động với hơn 12 tỉ đồng. Việc mua bảo hiểm không có căn cứ thoả thuận ăn chia hoa hồng giữa các bên.
Về dân sự, HĐXX tuyên chuyển cho CNS toàn bộ số tiền các bị cáo đã nộp lại để khắc phục hậu quả vụ án.
Từ những căn cứ nêu trên, TAND TP HCM tuyên phạt mức án đối với các bị cáo như sau:
1. Chu Tiến Dũng (cựu Tổng Giám đốc CNS): 5 năm tù
2. Đỗ Văn Ngà (cựu Kế toán trưởng): 4 năm tù
3. Nguyễn Hoành Hoa (cựu Chủ tịch HĐTV): 4 năm tù
4. Nguyễn Hoàng Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc CNS): 3 năm 6 tháng tù.
5. Phạm Thuý Oanh (cựu Kế toán trưởng Công ty TIE, Phó Tổng Giám đốc TIE): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.
6. Hoàng Minh Trí (cựu thành viên HĐQT TIE): 3 năm tù.
7. Lê Viết Ba (cựu Phó phòng tài chính kế toán CNS): 3 năm tù.
8. Nguyễn Đức Vượng (cựu Chánh Văn phòng CNS): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.
9. Lê Vũ Tùng (cựu Phó Tổng giám đốc CNS): 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 4 năm.
10. Huỳnh Tấn Tư (cựu Phó Tổng Giám đốc CNS): 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 4 năm.