Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng kết 6 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản toàn ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 819.560 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền đầu tư ước đạt 721.284 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 159.889 tỷ đồng, tăng 7,4%; tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 600.110 tỷ đồng, tăng 13,2%.
Đáng chú ý, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm từ đầu năm cũng ước đạt 30.966 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023.
Được biết, thị trường bảo hiểm nhân thọ sau “cuộc khủng hoảng truyền thông lớn nhất lịch sử” đang từng bước thanh lọc. Chia sẻ tại sự kiện mới đây, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam nhận định doanh số thị trường trong ngắn hạn vẫn giảm, song đây là cơ hội để thanh lọc đội ngũ bán hàng và phát triển về dài hạn.
“Trước đây, lượng tư vấn viên bảo hiểm có thể lên đến 700.000 người nhưng hiện nay, con số này sẽ giảm mạnh. Vài trăm nghìn người có thể bị đào thải nếu không nâng cao trình độ và đạo đức nghề nghiệp”, ông Ngô Trung Dũng nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Dũng nhận thấy sự thay đổi quan trọng nhất là doanh nghiệp (DN) bảo hiểm đã làm thật, sửa đổi quy trình thay vì “làm màu” như vài năm trước. Các công ty bảo hiểm đang tập trung cải tiến theo quy định mới của Luật áp dụng từ năm 2024.
Dưới quan sát của Hiệp hội, đại diện nhấn mạnh 2024 có thể xem là năm chuyển mình của DN bảo hiểm nhân thọ. Hầu hết các bên đều xúc tiến thay đổi chính mình sau sự cố ảnh hưởng đến niềm tin giai đoạn 2022-2023, bao gồm thay đổi về sản phẩm, quy trình nghiệp vụ, cải thiện hợp đồng minh bạch hơn và dễ hiểu hơn cho khách hàng… làm sao đảm bảo tư vấn đủ cho khách hàng.
Chưa kể, Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, thì xấp xỉ chỉ 10% dân số có hợp đồng bảo hiểm (đã bao gồm cả người có hơn 1-2 hợp đồng bảo hiểm). So với khu vực, đơn cử bên Singapore đến 70-80% dân số đã có hợp đồng bảo hiểm, thì cho thấy tiềm năng thị trường bảo hiểm Việt Nam rất lớn.
Việt Nam còn có tốc độ gia tăng giới trung lưu nhanh, nên việc chi cho bảo hiểm ngày càng tăng. Và cơn khủng hoảng 2022-2023, người ta cũng rà soát, coi lại bảo hiểm rất nhiều… từ đó gia tăng hiểu biết về bảo hiểm nhân thọ và cũng quyết định mua nhiều hơn trước.
Đồng quan điểm, bà Tina Nguyễn – Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam – bày tỏ: “Chưa bao giờ thị trường chuyển đổi nhanh như thế. Nếu việc chuyển đổi số, chuyển đổi digital… ngày xưa các bên sẽ làm từ từ, thì hiện nay các DN phải làm nhanh chứ không sẽ không tồn tại được”.
Riêng Manulife Việt Nam, trong vòng 12 tháng qua (sau cơn khủng hoảng niềm tin), Công ty theo bà đã hoàn thành rất nhiều dự án. Bao gồm: dự án giúp cho các tư vấn viên biết rõ là khách hàng khi ký hợp đồng bảo hiểm; quy trình xác thực thông tin và giám sát phát hành hợp đồng bảo hiểm M-Pro; công cụ tính toán quyền lợi bảo hiểm dành cho khách hàng; ứng dụng M-PA cho đội ngũ đại lý; nâng cấp bộ hợp đồng mới; nâng cấp dịch vụ tổng đài; rút ngắn thời gian giải quyết quyền lợi trung bình xuống 1,6 ngày…
Nói về giai đoạn khủng hoảng của ngành bảo hiểm nhân thọ giai đoạn vừa qua, bà Tina Nguyễn cho biết bất kỳ thị trường nào còn non trẻ như thị trường Việt Nam cũng sẽ phải đi qua giai đoạn như thế này, bắt buộc sửa đổi và đi nhanh hơn. Nếu chúng ta nhìn đó như cơ hội, sẽ biến cơ hội thành hành động và phát triển tốt hơn sau này.
“Sự sửa đổi các quy định đặc biệt là các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, với Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023, đi cùng là sự đòi hỏi cao hơn của khách hàng đối với sự chuyên nghiệp của đội ngũ tư vấn bán hàng, thì công ty nào đầu tư tâm huyết, sẽ có thành công ”, bà nói.
Đại diện Manulife Việt Nam cũng khẳng định khi Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực và Thông tư 67 đưa ra chính sách chặt chẽ hơn, DN ngay lập tức có những điều chỉnh cho phù hợp với quy định và yêu cầu khắt khe hơn từ khách hàng.
Nguồn tin: https://cafef.vn/hiep-hoi-bao-hiem-viet-nam-sau-cuoc-khung-hoang-truyen-thong-lon-nhat-lich-su-dn-bao-hiem-nhan-tho-da-khong-con-lam-mau-nhu-xua-188240710140739904.chn