Theo BSCKI Hà Tố Như, khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện An Việt), bệnh bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi.
Thể bệnh hay gặp nhất của bệnh bạch hầu là ở đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí phế quản), trong đó 70% là bạch hầu họng. Trẻ em thường được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh nên bệnh rất nhiếm gặp. Tuy nhiên, ở những địa phương có tỉ lệ tiêm vaccine bạch hầu thấp thì bệnh vẫn có nguy cơ lây lan. Ở những địa phương này, trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu.
Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao hơn là những người không được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch, đi du lịch tới một đất nước không tiêm chủng vaccine bạch hầu, bị rối loạn miễn dịch, sống trong điều kiện đông đúc, chật hẹp và không vệ sinh.
Bệnh bạch hầu có thể lây lan dễ dàng từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
BSCKI Hà Tố Như cho biết vi khuẩn bạch hầu ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Khi cơ thể bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn này sẽ giải phóng ra độc tố, độc tố sẽ xâm nhập vào máu gây ra các lớp màng dày màu xám ở mũi, họng, lưỡi, đường thở… Trong một số trường hợp, những độc tố do vi khuẩn tiết ra có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm tim, não và thận. Do vậy, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng, ví dụ như viêm cơ tim, liệt hoặc suy thận.
Theo BSCKI Hà Tố Như, bệnh bạch hầu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm và thậm chí là tử vong. Những biến chứng có thể xảy ra với bệnh bạch hầu là tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, tổn thương thần kinh dẫn đến tê liệt, suy hô hấp, viêm phổi…
Hiện biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu là tiêm ngừa vaccine. Hiện vaccine phòng bệnh bạch hầu đã có trong các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đặc biệt là trẻ nhỏ cần được tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch. Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền cho người dân những kiến thức về bệnh bạch hầu, tiêm vaccine, dấu hiệu phát hiện bệnh, cách ly, phòng bệnh cũng như cần được điều trị kịp thời. Cần đảm bảo công tác vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học. Tại các nơi có trường hợp mắc bệnh cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Người dân nên thực hiện theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, cơ sở y tế ở địa phương để phòng và điều trị bệnh.
Trước đó, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong trên.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An đã xác định được 119 người có tiếp xúc với nữ bệnh nhân tử vong do bạch hầu.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, trường hợp dương tính với bạch hầu là M.T.B, 18 tuổi, tạm trú huyện Hiệp Hòa, thường trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Ngày 25 – 28.6, M.T.B. và M.T.S. về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT, ở cùng phòng với một người mắc bệnh bạch hầu.
Khi quay lại Bắc Giang, B và S đau họng, cùng lúc đó cả hai biết người bạn cùng phòng ở Nghệ An trước đây đã mất vì bạch hầu nên tự mua thuốc kháng sinh uống.
B làm xét nghiệm và có kết quả dương tính với bạch hầu. Nữ sinh cũng được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) để điều trị. Còn S và các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh đã được cơ quan chuyên môn huyện Hiệp Hòa thu dung và đưa vào khu vực cách ly.