Tại hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã đề cập và cảnh báo người dân về tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thời gian gần đây.
LỪA ĐẢO “THIÊN BIẾN VẠN HOÁ”
Theo nhận định của các chuyên gia, sự phát triển của công nghệ ngân hàng ở thời điểm hiện tại luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến hoạt động thanh toán. Nếu không quản lý tốt việc sử dụng tài khoản chính chủ để thực hiện các giao dịch thì không nhất thiết là tội phạm công nghệ cao mà bất kỳ tài khoản nào cũng có thể bị lợi dụng vào mục đích xấu của bất cứ ai.
“Nhiều nhóm lừa đảo trên mạng hoạt động như một công ty, có bộ phận nghiên cứu và coi lừa đảo như một “nghề””.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05, Bộ Công an).
Lợi dụng tính ẩn danh không biên giới của không gian mạng, các đối tượng tội phạm dễ dàng đóng giả những vai khác nhau, từ công an, viện kiểm sát, nhân viên thuế… để tiếp cận với người dân. Mặc dù các phương tiện truyền thông liên tục nhắc nhở nhưng nhiều trường hợp người dân vẫn bị kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, không có một giáo trình nào về phòng, chống lừa đảo. Theo ông, hoạt động lừa đảo diễn biến rất phức tạp và không có một giải pháp kĩ thuật đơn lẻ nào có thể đưa vào sách để chống được vấn nạn này; thay vào đó là bộ giải pháp kết hợp giữa nhiều bộ. ban, ngành cùng ý thức người dùng được nâng cao mới đạt được hiệu quả phòng, chống.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05, Bộ Công an), cho biết nhiều nhóm lừa đảo trên mạng hoạt động như một công ty, có bộ phận nghiên cứu và coi lừa đảo như một “nghề”.
Báo cáo mới đây của lực lượng chức năng cho biết từng xử lý nhóm tội phạm với quy mô hơn 300 người, hoạt động như một công ty có cả văn phòng và phòng ban chuyên biệt. Những người mới tham gia vào tổ chức sẽ được đào tạo trong thời gian từ 2 đến 3 tháng, học từng câu trả lời với từng câu hỏi, từng tình huống.
Bên cạnh đó, tồn tại những đối tượng chuyên xử lý dòng tiền bất chính. Tội phạm có thể thu mua hàng nghìn tài khoản ngân hàng “rác” để tiến hành luân chuyển dòng tiền chiếm đoạt từ người bị hại rất nhanh. Do đó, việc xác thực tài khoản ngân hàng của người dân là một điều hết sức cần thiết.
CHUNG TAY ĐẨY LÙI TÀI KHOẢN “RÁC”
Trước những diễn biến mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong giao dịch trực tuyến, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định có thủ đoạn mới thì phải có phương pháp mới. Nhiệm vụ của ngành ngân hàng là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống, đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt.
Phó Thống đốc cho biết mục tiêu ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Ông giải thích rõ hơn một trong những mục đích đầu tiên là làm sạch tài khoản. Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp Bộ Công an triển khai làm “sạch” tài khoản khách hàng, chấm dứt hiện tượng dùng giấy tờ giả để mở tài khoản. Đây cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia đánh giá là toàn diện nhất ở thời điểm hiện tại, góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Thực tế triển khai cho thấy, tất cả các ngân hàng đều nghiêm chỉnh thực hiện theo Quyết định 2345/NHNN.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính ngày 5/7, các ngân hàng đã đối chiếu làm sạch khoảng 19 triệu tài khoản thông qua căn cước công dân gắn chíp do Bộ Công an cấp. Trong đó, có 10% số người được ngân hàng hỗ trợ làm việc trực tiếp tại quầy.
Trong đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên cho phép khách hàng xác thực trực tiếp thông qua ứng dụng VNeID của Bộ Công An. Ngoài ra, có khoảng 60 nghìn khách hàng là người nước ngoài đang sử dụng dịch vụ của Vietcombank đã được hỗ trợ, bằng hình thức hỗ trợ trực tiếp tại quầy, hoặc tại chính điểm làm việc của khách hàng.
Nhiều ngân hàng đã chuẩn bị sẵn hệ thống chuẩn bị cho xác thực định danh tài khoản. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết đã xây dựng đội ngũ dự án gồm 60 chuyên gia về trải nghiệm người dùng, quản lý sản phẩm phát triển công nghệ giúp gắn kết, kết nối khách hàng từ tháng 12/2023. Bên cạnh đó, ngân hàng đã nghiên cứu 200 mẫu điện thoại thông minh khác nhau, có vị trí kết nối NFC khác nhau để đảm bảo khách hàng sử dụng thiết bị nào cũng có thể thao tác thanh toán phù hợp với giao diện điện thoại của họ
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, kể từ tháng 1/2025, nếu khách hàng không cung cấp dữ liệu sinh trắc học, hoặc dữ liệu qua đối chiếu không khớp thì tài khoản hiện có của khách hàng đó sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch online. Bởi lẽ, điều kiện để được cung ứng dịch vụ trên môi trường internet là thông tin phải được xác thực sinh trắc học với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà Bộ Công an đang là đầu mối quản lý, vận hành. Đây là nội dung mới nhất tại Thông tư 18 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ngan-lua-dao-tu-loai-bo-tai-khoan-rac.htm