Tại Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 14/2017/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị (mà Bộ Xây dựng đã và đang gửi lấy ý kiến địa phương), có một số nội dung thu hút nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là quy định về thẩm quyền, trách nhiệm ban hành các định mức kinh tế – kỹ thuật. Để làm rõ vấn đề này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng.
Thưa ông, nhiều ý kiến bảy tỏ Dự thảo quy định địa phương ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật lĩnh vực cây xanh, chiếu sáng đô thị là không hợp lý. Vì các tỉnh không đáp ứng về năng lực tổ chức quản lý, xây dựng các định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí đối với dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị. Bộ Xây dựng vẫn cần ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật để áp dụng thống nhất cho cả nước. Ông phản hồi sao về điều này?
Trong Dự thảo lần đầu (phiên bản tháng 8/2023) gửi các địa phương để lấy kiến góp ý, không có nội dung về việc Bộ Xây dựng công bố định mức kinh tế kỹ thuật mà chỉ “dẫn chiếu”: “Định mức kinh tế – kỹ thuật do UBND cấp tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung là cơ sở để ban hành giá, đơn giá sản phẩm hoặc lập dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công”.
“Đối với ý kiến lo ngại rằng việc UBND cấp tỉnh ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công có thể gây thất thoát, lãng phí, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, Ban soạn thảo, Tổ biên tập khẳng định không có quy định nào trong dự thảo Thông tư dẫn đến gây thất thoát, lãng phí, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.
Dự thảo Thông tư cũng đã làm rõ hơn các thành phần chi phí, đã bổ sung phương pháp xác định định mức để tạo thuận lợi cho các địa phương trong triển khai thực hiện; đồng thời đã loại bỏ quy định các địa phương phải xin ý kiến thống nhất với Bộ Xây dựng trước khi ban hành như quy định tại Thông tư 14″.
Trách nhiệm này của UBND cấp tỉnh, đã được nêu rõ tại điểm b, Khoản 2, Điều 26 Nghị định 32/2019/NĐ-CP, không phải do Bộ Xây dựng quy định như ý kiến trên.
Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến, nhiều địa phương đề nghị bổ sung quy định Bộ Xây dựng ban hành định mức kinh tế kỹ thuật để áp dụng chung, còn các địa phương ban hành định mức đặc thù. Vì vậy, Tổ biên tập, Ban soạn thảo Thông tư đã đánh giá lại các căn cứ, cơ sở pháp lý liên quan đến việc ban hành định mức và thực tiễn triển khai các dịch vụ này tại các địa phương. Đồng thời, đề xuất Bộ Xây dựng có văn bản gửi Bộ Tài chính để lấy ý kiến về thẩm quyền ban hành định mức của Bộ Xây dựng.
Trên cơ sở đó, dự thảo Thông tư – bản được hoàn thiện vào tháng 11/2023 – đã quy định: UBND cấp tỉnh căn cứ phương pháp kèm theo Thông tư này để ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế – kỹ thuật làm cơ sở ban hành đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Dự thảo cũng đã bổ sung, làm rõ nội dung: “Định mức do Bộ Xây dựng công bố là cơ sở để UBND cấp tỉnh tham khảo trong quá trình tổ chức xác định, ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế – kỹ thuật áp dụng đối với dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý”.
Như vậy, Dự thảo thông tư không quy định, yêu cầu các địa phương phải ban hành định mức, chỉ “dẫn chiếu” về trách nhiệm ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức của UBND cấp tỉnh đã được quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP.
Cũng không ít người cho rằng trường hợp 63 tỉnh thành tổ chức ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật sẽ làm tốn kém ngân sách và thời gian, đồng thời tạo lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Ông giải thích thế nào về nhận định trên?
Đối với ý kiến lo ngại rằng việc UBND cấp tỉnh ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công có thể gây thất thoát, lãng phí, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, Ban soạn thảo, Tổ biên tập khẳng định không có quy định nào trong dự thảo Thông tư dẫn đến gây thất thoát, lãng phí, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.
Dự thảo Thông tư cũng đã làm rõ hơn các thành phần chi phí, đã bổ sung phương pháp xác định định mức để tạo thuận lợi cho các địa phương trong triển khai thực hiện; đồng thời đã loại bỏ quy định các địa phương phải xin ý kiến thống nhất với Bộ Xây dựng trước khi ban hành như quy định tại Thông tư 14.
Việc cho phép được thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn tham gia xây dựng, thẩm tra định mức… đã được quy định từ Thông tư 14 trước đây. Dự thảo Thông tư không có quy định nào hạn chế khả năng tham gia các gói thầu lập định mức của các tổ chức. Thực tế, có rất nhiều đơn vị và cá nhân đủ năng lực, kinh nghiệm, đã và đang thực hiện các gói thầu xây dựng định mức thuộc lĩnh vực dịch vụ hạ tầng đô thị cho các địa phương. Bên cạnh đó, theo Luật Đấu thầu 2023, các gói thầu tư vấn từ 100 triệu đồng trở lên phải thực hiện thủ tục đấu thầu để lựa chọn đơn vị thực hiện. Vì vậy có thể khẳng định những lo ngại trên là không có cơ sở!
Vậy, việc cả Bộ Xây dựng và các địa phương đều có thẩm quyền, trách nhiệm ban hành các định mức kinh tế – kỹ thuật đối với các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý Nhà nước, liệu có gây nên chồng chéo về pháp lý và gây khó cho các địa phương cũng như các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này, thưa ông?
Như tôi đã nói, Bộ Xây dựng công bố định mức kinh tế – kỹ thuật làm cơ sở để các địa phương tham khảo. Việc xem xét, áp dụng hay không là thuộc quyền quyết định của UBND cấp tỉnh trên cơ sở rà soát, đánh giá sự phù hợp về quy trình, điều kiện cụ thể, tính đặc thù của đô thị và khả năng bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các dịch vụ này tại địa phương…
Việc công bố một bộ định mức dùng chung cho cả nước là không phù hợp vì mỗi địa phương có điều kiện cụ thể, tính đặc thù của đô thị và khả năng bố trí ngân sách khác nhau.
Hơn nữa, trách nhiệm ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công của UBND cấp tỉnh đã được quy định rõ tại Khoản 2, Điều 26, tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP. Do đó, không có việc chồng chéo trong thẩm quyền ban hành/công bố định mức trong lĩnh vực này cũng như gây khó trong triển khai thực hiện.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/khong-co-quy-dinh-nao-dan-den-that-thoat-lang-phi-loi-ich-nhom.htm