Đạo diễn đoạt Oscar Oliver Stone kể trải nghiệm đi lính ở Việt Nam và tình yêu điện ảnh trong hồi ký “Đuổi theo ánh sáng”.
Oliver Stone là đạo diễn đứng sau hai tác phẩm lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam Platoon (1986) và Born on the Fourth of July (1989) từng đoạt hai giải Oscar. Nhưng trước khi đạt đến thành công, ông trải qua không ít chìm nổi, từng là lính bộ binh tham chiến ở Việt Nam.
Năm 2020, Stone ra mắt hồi ký Chasing the Light về những khoảnh khắc thăng trầm trong cuộc sống. Đầu tháng 6, sách được chuyển ngữ sang tiếng Việt, ra mắt độc giả trong nước với tên Đuổi theo ánh sáng.
Mở đầu, tác giả giới thiệu về tuổi thơ và thời thanh niên khi cha mẹ ly hôn. Để vơi bớt tổn thương, Oliver Stone đến Việt Nam, tình nguyện dạy tiếng Anh cho người bản xứ tại Chợ Lớn (Sài Gòn). Kết thúc một năm làm việc, ông đến Mexico viết cuốn hồi ký về 20 năm đầu đời, ôm mộng trở thành nhà văn.
Tuy nhiên, với sự non nớt trong việc viết lách, tác phẩm của ông bị xếp xó. Không còn động lực, Stone một lần nữa trở lại Việt Nam, nhưng với vị trí lính bộ binh. Trên chiến trường khốc liệt, ông có nhiều trải nghiệm, có lúc đứng ở tuyến đầu, có khi bị thương suýt mất mạng. Dù khó khăn, Stone vẫn không muốn trở về quê hương quá sớm vì “không còn gì chờ mình ở nơi chốn ấy”.
Sách có đoạn: “Trái ngược với sự sáo rỗng, thành công là điều bạn có thể học hỏi. Trong số những thứ khác, nó còn dạy bạn cách ứng xử trong ngành quan hệ công chúng như phim ảnh, và cách xử lý tiền bạc, con người, cách nói chuyện trước công chúng – đồng thời mang lại cho bạn năng lực và mong muốn phát triển như một nghệ sĩ và một con người. Tuy nhiên, thất bại đã đã dạy tôi cách cảm nhận nỗi đau của mình, sự non nớt trong tức giận và tổn thương của tôi, nó cũng dạy cho tôi sự cay đắng và khao khát trả thù, sự vô ích của nó, và cuối cùng, nó dạy tôi kiên cường, mạnh mẽ và độc lập”.
Sau này khi trở về Mỹ, vì không có mục đích sống, Stone sa vào chất kích thích, đỉnh điểm là bị cảnh sát bắt giữ và phải nhờ cha đưa ra khỏi nhà tù. Từ đó, ông nuôi ý định viết kịch bản phim.
Cơ hội với ông khi thực hiện dự án Midnight Express, kể về quá trình của nhân vật chính buôn bán các chất kích thích cố gắng thoát khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Với những trải nghiệm của bản thân, Oliver Stone thổi vào những tình tiết chân thực, khiến cốt truyện trở nên lôi cuốn khán giả. Tác phẩm thắng giải Oscar năm 1979 hạng mục kịch bản chuyển thể xuất sắc.
Tuy nhiên, một số tác phẩm Stone tham gia viết kịch bản như The Hand (1981), Conan the Barbarian (1982), Year of a Dragon (1985) mờ nhạt với công chúng, bị giới phê bình chê, khiến ông trầm cảm. Ở hoàn cảnh đó, Oliver Stone tiến đến những quyết định lớn nhất cuộc đời. Ông dùng toàn bộ tài sản để đầu tư vào tác phẩm độc lập và kinh phí thấp Salvador. Tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao, nhận đề cử Oscar lần thứ 59 cho Nam chính xuất sắc và Kịch bản xuất sắc.
Sau thành công của Salvador, Stone thực hiện dự án Platoon và Born on the Fourth of July về chiến tranh Việt Nam. Ông tiếp tục đoạt hai tượng vàng hạng mục Đạo diễn xuất sắc, đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp làm phim.
Trong sách, ông cho biết tuổi trẻ có nhiều lúc khó khăn nhưng cũng tuyệt vời và đáng giá. Bên cạnh đó, tác phẩm nói đến những góc khuất, hậu trường làm phim và những va chạm trong giới điện ảnh. “Cho dù giai đoạn sau của cuộc đời tôi được mãn nguyện đến thế nào đi nữa, tôi không nghĩ rằng mình sẽ còn cảm thấy hào hứng và phấn khích nhiều như khi tôi không có tiền. Có những thời điểm nào đó tầm thường, nhưng cũng có những khoảnh khắc tỏa sáng khiến bạn trân trọng mãi mãi. Không thể xóa nhòa dù nó tốt đẹp hay khủng khiếp”, đạo diễn tiết lộ trong tập sách.
Trên Goodreads, nhiều độc giả nhận xét tác phẩm có lối viết chân thành, không hoa mỹ hay lên gân. Tài tử Anthony Hopkins nói: “Sách cho thấy đời sống nội tâm và nguồn năng lượng mạnh mẽ của Stone. Điều này đã đưa ông trở thành một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất thế giới”.
Trang Publishers Weekly viết: “Quyển sách lôi cuốn khi trình bày thời kỳ tranh đấu của các nghệ sĩ thay vì cho thấy giai đoạn huy hoàng”. Mail on Sunday nhận xét: “Trung thực đến tàn nhẫn, kịch tính không kém bộ phim nào của ông ấy, quyển hồi ký của Oliver Stone bất chấp mọi khuôn sáo tồn tại ở Hollywood”.
Oliver Stone, 78 tuổi, là đạo diễn và biên kịch nổi tiếng người Mỹ. Ông từng tham chiến tại Việt Nam từ tháng 4/1967 đến tháng 11/1968. Ngoài các tác phẩm ghi dấu ở Oscar, Stone còn viết kịch bản và đạo diễn bộ phim Wall Street (1987), bộ phim giúp Michael Douglas giành Oscar cho nam chính xuất sắc. Ông còn tham gia biên kịch cho một số dự án như Scarface (1983), 8 Million Ways to Die (1986) và Evita (1996).
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/duoi-theo-anh-sang-ky-uc-cua-oliver-stone-4762533.html