Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn ngày 28/6/2024, đại biểu Thái Thị An Chung, đoàn Nghệ An, bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo, trong đó thống nhất với đánh giá dự thảo đã có nhiều quy định về các nội dung quan trọng để làm cơ sở cho việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.
Cụ thể, dự thảo đã quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn theo các loại và các cấp độ quy hoạch, xác định mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ về quy hoạch.
CẦN ĐẢM BẢO ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI THỜI KỲ QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT TẠI LUẬT ĐẤT ĐAI
Góp ý về về thời kỳ quy hoạch trong dự thảo luật, đại biều đoàn Nghệ An cho rằng theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch 10 năm.
Trong khi đó, dự thảo luật quy định quy hoạch đô thị và nông thôn đối với các quy hoạch chung có thời hạn là 20-25 năm, tầm nhìn của quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương là 50 năm. Đây là nội dung kế thừa quy định hiện hành của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014.
Theo đại biểu, sự chưa thống nhất này dẫn đến quá trình thực hiện các phương án quy hoạch để tích hợp dự báo khó bảo đảm sự đồng bộ, tương thích, thời điểm khớp nối các thành phố trực thuộc trung ương không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Nếu thời kỳ của các quy hoạch này không thống nhất sẽ dẫn đến khó khăn khi lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.
Vì vậy, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có giải pháp quy định một cách phù hợp hơn về vấn đề này, có thể quy định thêm thời gian trong giai đoạn ngắn hạn 5 năm hoặc 10 năm, tức là phân kỳ quy hoạch để đồng bộ với các quy hoạch khác.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu chỉ rõ, tại khoản 5 Điều 21, khoản 4 Điều 22 dự thảo luật xác định thời hạn quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đô thị mới dự kiến trở thành thành phố, thị xã từ 20- 25 năm, thời hạn quy hoạch chung thị trấn, đô thị mới dự kiến trở thành thị trấn từ 10-20 năm.
Trong khi đó, Luật Đất đai hiện hành tại Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40 quy định thời kỳ quy hoạch sử dụng đất xác định là 10 năm, nội dung quy hoạch định hướng cũng 10 năm và tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2024 về xác định thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng quy định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 10 năm, tầm nhìn sử dụng đất là 20 năm.
Như vậy, giữa các loại quy hoạch về thời kỳ, thời hạn chưa thống nhất với nhau. Vấn đề này trong thời gian qua khi thi hành Luật Đất đai năm 2013 và Luật Xây dựng năm 2014 đã tồn tại, tạo ra bất cập, vướng mắc trong triển khai công tác quy hoạch và xây dựng.
Cụ thể như quy hoạch sử dụng đất theo thời kỳ là 10 năm, thường kết thúc vào năm 2010, 2020 hoặc 2030, nhưng thời kỳ lập quy hoạch xây dựng không theo các mốc thời gian này dẫn đến lệch pha tại các khu vực quy hoạch do không thể tách chỉ tiêu diện tích để thực hiện, xác định loại đất trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng khác nhau nên có sự mâu thuẫn.
Bên cạnh đó, không có quy định phải thể hiện quy hoạch chi tiết xây dựng trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất nên việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích không thể thực hiện theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Chưa có quy định rõ thuật ngữ, sự phù hợp giữa quy hoạch cấp trên và quy hoạch cấp, dẫn đến cấp dưới lúng túng trong việc thể hiện đầy đủ mục đích sử dụng đất theo quy định.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh thời hạn này tại khoản 5 Điều 21 và khoản 4 Điều 22 của dự thảo luật cho đồng bộ, thống nhất với thời kỳ quy hoạch sử dụng đất tại Luật Đất đai năm 2024.
Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ và thống nhất với phân loại đất theo quy định tại Điều 9 Luật Đất đai năm 2024 nhằm bảo đảm triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là đối với các khu vực nội thị.
Bên cạnh đó, cần bổ sung, giải thích nội hàm và mức độ của thuật ngữ “sự phù hợp giữa các cấp quy hoạch và các loại quy hoạch ngành” đang được quy định tại khoản 3 Điều 7 của dự thảo luật để thực hiện thống nhất ở trên phạm vi toàn quốc.
CẦN THIẾT LẬP QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ
Theo đại biểu Nguyễn Hải Nam, đoàn Thừa Thiên Huế, Việt Nam trải qua quá trình phát triển và có những thời điểm các chuyên gia cho rằng chúng ta có 58 văn bản quy phạm pháp luật và điều chỉnh hơn 115 loại quy hoạch.
Trao đổi với một số đại biểu về Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị có những điểm chung và câu hỏi đặt ra là có điểm chồng chéo không hay là có lãng phí nguồn lực không, ông Nam cho rằng, cần nhìn vào bản chất, tiêu chí của hai loại quy hoạch: quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị.
Về bản chất thì quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể các quy hoạch tổng thể quốc gia cấp tỉnh về không gian, về hoạt động kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bổ dân cư nông thôn. Mặt khác, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia về tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật.
Khi nghiên cứu thêm chúng ta sẽ thấy có 10 điểm khác nhau giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị, theo Luật Quy hoạch năm 2009 và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị thì một số nơi là quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Thừa Thiên Huế.
Cụ thể đại biểu nêu: kỳ hạn của quy hoạch tỉnh là 10 năm, tầm nhìn 20 năm, còn quy hoạch chung đô thị kỳ hạn là 20, tầm nhìn 50 năm. Quy hoạch tỉnh là không gian phi vật thể, còn quy hoạch chung đô thị là không gian có vật thể cụ thể như cụm, tuyến, điểm, diện, khối.
Bên cạnh đó, mục tiêu khác nhau giữa 2 quy hoạch này, một bên là xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội, một bên là xây dựng hình ảnh đô thị về dài hạn; một bên có tính biến động cao, một bên tính biến động thấp.
Cũng theo ông Nam, quy hoạch tỉnh bám sát các chỉ tiêu kinh tế xã hội, phúc lợi xã hội, còn quy hoạch chung đô thị thì bám vào chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật tương ứng với các loại đô thị, phân cấp đô thị. Về mức độ kiểm soát, một bên không cụ thể chi tiết, còn một bên thì có cụ thể chi tiết, ví dụ như về dân số, mật độ dân, tọa độ, cao độ, tuyến đường, ranh giới.
Quy hoạch tỉnh không có hệ thống quy hoạch chuẩn, tiêu chuẩn riêng nhưng quy hoạch chung đô thị có quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng. Một bên thì tỷ lệ bản đồ là 1/25.000 và một bên là 1/10.000…
Đại biểu cũng đồng ý với một số ý kiến cho rằng trong 2 quy hoạch này có một số điểm chồng chéo, do đó Ban soạn thảo cần tiếp thu. Tuy nhiên nếu tích hợp 2 quy hoạch này thì cũng có những vấn đề khó khả thi. Ví dụ như là về kỳ quy hoạch chưa tương đồng hay là đối tượng quy hoạch hay là mục tiêu quy hoạch hoặc khó để thực hiện được gộp chỉ tiêu kiểm soát cũng như mức độ kiểm soát, mức độ tương thích giữa các ngành, lĩnh vực…
Qua nghiên cứu, đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải lập quy hoạch chung đô thị và ở một số nơi là quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương vì tính chất, mục tiêu của loại quy hoạch này.
Góp ý dự thảo, đại biểu Nguyễn Phi Thường, đoàn Tp.Hà Nội, cho biết thời gian qua, hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn được quy định tại Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng và một số nội dung được quy định tại nhiều Luật khác có liên quan. Việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung này phải tham chiếu ở nhiều quy định khác nhau, vẫn còn sự chồng chéo, chưa thống nhất, chưa cụ thể, gây khó khăn cho công tác áp dụng và thi hành.
Do đó, đại biểu đồng tình, nhất trí cao về sự cần thiết phải khẩn trương nghiên cứu, sớm ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế và hệ thống hóa, cụ thể hóa các nội dung trong cùng một Luật, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/bao-dam-dong-bo-thong-nhat-quy-hoach-do-thi-va-nong-thon-voi-cac-quy-hoach.htm