Từ ga Ngọc Hồi, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến vượt qua đường sắt vành đai phía Tây, qua huyện Thường Tín, Phú Xuyên, đi về huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Theo dự thảo Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội đang được Cục Đường sắt Việt Nam lấy ý kiến, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh thành, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của đất nước. Trong khu vực đầu mối TP Hà Nội, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam tuân thủ các quy hoạch có liên quan của TP Hà Nội, tỉnh Hà Nam và quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, từ ga Ngọc Hồi, đường sắt tốc độ cao vượt qua các đường vành đai và đường sắt vành đai phía Tây, qua huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Tại cuối huyện Phú Xuyên, tuyến đường hướng về phía đông để vòng tránh khu công nghiệp Đồng Văn ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; vượt quốc lộ 1, đường sắt hiện tại về phía đông của đường bộ cao tốc để về TP Phủ Lý.
Ga Phủ Lý trên tuyến đường sắt tốc độ cao được đặt gần nút Liêm Tuyền, phía đông đường bộ cao tốc. Từ sau ga Phủ Lý, tuyến đường cơ bản đi theo hành lang đường sắt quốc gia hiện tại đến vị trí giáp ranh giữa Hà Nam và Nam Định.
Trong khu vực đầu mối Hà Nội – Hà Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao dài khoảng 65 km, trong đó qua Hà Nội dài 28 km, có ga đầu mối Ngọc Hồi; đoạn qua tỉnh Hà Nam khoảng 36 km, có ga Phủ Lý.
Trên địa phận Hà Nội, đường sắt tốc độ cao đi trên cao. Tại tỉnh Hà Nam, tuyến được quy hoạch giao cắt khác mức với đường bộ cao tốc, quốc lộ và đường tỉnh. Cụ thể, đường sắt tốc độ cao đi trên cầu cạn vượt qua giao cắt với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, quốc lộ 38, đường Hà Huy Tập và quốc lộ 21A. Các vị trí giao cắt khác dự kiến làm cầu vượt qua đường sắt hoặc hầm chui.
Theo dự thảo quy hoạch, Ngọc Hồi trở thành ga lớn nhất miền Bắc, là ga cuối của đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia Bắc Nam, nơi lập tàu khách và tàu hàng cho các tuyến đường sắt phía nam sông Hồng.
Khu tổ hợp Ngọc Hồi rộng khoảng 251 ha, trong đó nhà ga đường sắt tốc độ cao 8 ha, khu depot 102 ha; ga đường sắt quốc gia 14,6 ha, ga hàng hóa 24,6 ha; khu depot đường sắt đô thị 21 ha; hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ chung cho vận hành của ga Ngọc Hồi 18,5 ha…
Để thuận tiện cho hành khách khi di chuyển bằng tàu đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, đơn vị tư vấn kiến nghị điều chỉnh, sắp xếp lại một số phân khu chức năng trong tổ hợp Ngọc Hồi so với phương án thiết kế trong dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội. Theo đó, ga đường sắt tốc độ cao sẽ được bố trí tiếp giáp với ga đường sắt đô thị tại khu vực ngoài cùng sát quảng trường.
Theo đơn vị tư vấn quy hoạch, hệ thống đường sắt quốc gia trong khu vực Hà Nội dự kiến không tổ chức xuyên tâm hoặc hướng tâm vào sâu trong đô thị lõi, việc kết nối sẽ thông qua hệ thống giao thông công cộng. Kết nối từ ga đầu mối Ngọc Hồi với trung tâm Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi (có thể kéo dài kết nối cảng hàng không thứ 2 Hà Nội).
Ngoài ra, đơn vị tư vấn kiến nghị điều chỉnh ga cuối của tuyến đường sắt đô thị số 6 Ngọc Hồi – sân bay Nội Bài từ Vĩnh Quỳnh sang ga Ngọc Hồi để tăng kết nối với đường sắt tốc độ cao.
Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và khởi công trước năm 2030. Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Vinh và TP HCM – Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến trước 2045.
Tháng 3 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất đường sắt tốc độ 350 km/h chở hành khách và vận tải hàng hóa khi có nhu cầu. Cụ thể, tuyến đường sắt được xây dựng mới đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/du-kien-huong-tuyen-duong-sat-toc-do-cao-qua-ha-noi-4762495.html