TP HCMCẩm Vân nói biết ơn nhạc sĩ Trần Long Ẩn vì hit “Đêm thành phố đầy sao” giúp chị được khán giả yêu mến.
Cẩm Vân là một trong những gương mặt chính tham gia đêm nhạc tôn vinh chân dung nhạc sĩ Trần Long Ẩn, ở Nhà hát TP HCM tối 25/6. Khi giai điệu ca khúc tiêu biểu trong sự nghiệp nhạc sĩ vang lên, nhiều khán giả xúc động. Cẩm Vân giữ nguyên bản phối cũ vì muốn cùng người nghe ôn lại một thời tuổi trẻ hồn nhiên, mộc mạc: “Thành phố cho em tuổi thơ/ Dòng sông cho em mộng mơ/ Và tình yêu như mùa xuân ấm áp trên nhành mai/ Trong đêm ba mươi”.
Kết thúc tiết mục, ca sĩ rưng rưng, cúi người tri ân nhạc sĩ. “Âm nhạc của ông đã giúp tôi có được tên tuổi như hôm nay”, Cẩm Vân nói.
Hơn 40 năm qua, bài hát là một trong những bản hit của Cẩm Vân. Ca sĩ là người đầu tiên thu âm ca khúc vào đầu thập niên 1980, trong một chương trình âm nhạc trên Đài truyền hình TP HCM, do nhạc sĩ Nguyễn Nam biên tập.
Ngày ấy, không được làm việc trực tiếp với nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Cẩm Vân tự phân tích ca khúc và hát theo cảm nhận của riêng. Nhạc phẩm sau đó gây tiếng vang, nhiều người viết thư về đài, đề nghị phát lại. Hàng chục năm sau, nhờ ca khúc, khán giả vẫn nhớ về Cẩm Vân với chất giọng nữ trầm, vừa tình cảm vừa sôi sục nhiệt huyết. Sau này, ca sĩ đưa nhạc phẩm vào CD tuyển tập những bài hát thành danh của chị thập niên 1980.
Trong chương trình về sự nghiệp nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Cẩm Vân còn biểu diễn ca khúc Lá thư ngày Tết, do ông sáng tác những năm 1980. Giai đoạn đầu vào nghề, chị được Đài truyền hình TP HCM giao hát tác phẩm dịp mừng năm mới, lên sóng đúng giờ giao thừa. Chị xúc động vì ca từ giàu ý nghĩa: “Nhớ góc phố ngày xuân về đàn trẻ mừng như lá như hoa/ Nhớ những năm phố phường vang tiếng súng”.
Đêm diễn gồm bốn phần, tái hiện chân dung sự nghiệp của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Quang Linh mở màn với Xin làm người hát rong – một trong những ca khúc được yêu thích nhất của ông. Phần Hát cho quê hương tôn vinh những sáng tác ông viết về vùng đất từng đi qua, như Tình đất đỏ miền Đông, Đàn sáo Hậu Giang, Trên mảnh đất tình người.
Nghệ sĩ Tạ Minh Tâm, Phạm Thế Vỹ hát về tuổi trẻ của Trần Long Ẩn, những ngày ông dẫn đầu phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe của sinh viên, học sinh Sài Gòn và đô thị miền Nam. Hiền Thục chọn ca khúc Mừng tuổi mẹ – nhạc phẩm nổi tiếng của ông trong chùm sáng tác về đề tài gia đình. Các nghệ sĩ khép lại đêm nhạc với màn hòa giọng Một đời người, một rừng cây – sáng tác ông tâm đắc nhất sự nghiệp.
Vì lý do sức khỏe, nhạc sĩ không trò chuyện trong đêm nhạc, nhiều đồng nghiệp ôn kỷ niệm cùng ông. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết với Trần Long Ẩn dù đến nơi nào, khi rời đi ông đều lưu luyến, có những sáng tác giàu cảm xúc về chốn cũ. “Đó là sự chắt lọc từ tấm lòng một người yêu đất nước, và tài năng của một nhạc sĩ được đào tạo bài bản”, ông Đỗ Hồng Quân nói.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh quen Trần Long Ẩn năm 1969, khi ông còn học ở Đại học Văn khoa. Cả hai từng nhiều đêm thức trắng, hát vang cùng học sinh, sinh viên trong phong trào Hát cho đồng bào nghe. Sau này, vào chiến khu, họ tiếp tục tham gia một khóa sáng tác do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước giảng dạy. “Đó là những ngày thiếu thốn nhưng đầy say mê, nhiệt huyết của chúng tôi”, ông hồi tưởng.
Bà Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM – cho biết đơn vị tổ chức chương trình nhằm tôn vinh những dấu son trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ. Đại diện Sở kỳ vọng quảng bá âm nhạc truyền thống cách mạng đến với mọi người, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về một thời hào hùng của dân tộc.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, 80 tuổi, quê ở Bình Định. Ông nguyên là phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM, chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP HCM. Ông từng được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhì và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cam-van-xuc-dong-hat-dem-thanh-pho-day-sao-4762795.html