Báo cáo tại cuộc họp này, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã liên tục điều chỉnh giảm 3 lần lãi suất điều hành trong các tháng 3, 4, 5/2023 với mức 0,5-1,5%, thực hiện theo đúng chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá quyết định này thể hiện tính quyết đoán rất cao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong số ít ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành ngay trong các tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương nhiều quốc gia vẫn đang trong tiến trình tăng lãi suất chống lạm phát.
NGÂN HÀNG “ĐỎ MẮT” TÌM KHÁCH VAY
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính từ đầu năm đến ngày 16/5, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2022 và tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2022. Dư nợ toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng, tăng 2,72% so với cuối năm 2022 và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng tín dụng thấp so với cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân là do cầu tín dụng giảm, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế khó khăn khi 3 động lực tăng trưởng suy yếu.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn vì sợ kinh doanh thua lỗ. Có nhóm doanh nghiệp bảo đảm đủ điều kiện để vay vốn, nhưng không muốn vay vì đơn hàng giảm, hàng hóa tồn kho nhiều, không sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn. Nhóm còn lại không thể vay vốn và là nhóm đông nhất, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa không đáp ứng được điều kiện vay vốn…
Bởi vậy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hệ thống ngân hàng xem xét, nghiên cứu để có giải pháp xử lý tận gốc của vấn đề, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ở chiều ngược lại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin: “Các ngân hàng cũng đang “đỏ mắt” tìm doanh nghiệp để cho vay. Ngân hàng nào cũng muốn tìm khách hàng tốt để giải ngân. Ngân hàng huy động vốn thì phải cho vay, nếu không cho vay thì khó tồn tại”.
Theo Lãnh đạo Bộ Tài chính, tiếp cận tín dụng phải có sự chủ động từ cả hai phía. Tuy nhiên, trong bối cảnh cầu giảm, nhiều doanh nghiệp không bán được hàng nên chưa có nhu cầu vay vốn, do đó các giải pháp cần phải kiên nhẫn, không nóng vội.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để có thể tiếp tục hạ lãi suất, chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ, sửa đổi lại một số điểm của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng theo hướng “cởi mở hơn nhưng không phải hạ chuẩn”.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các ngân hàng thương mại lớn như Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MB, Techcombank khẳng định sẽ tiếp tục chủ động kết nối với doanh nghiệp, khách hàng truyền thống để tháo gỡ khó khăn.
Các ngân hàng đồng thuận sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, nỗ lực để tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào những lĩnh vực có khả năng tiếp cận vốn, các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để có thể tiếp tục hạ lãi suất, chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ, sửa đổi lại một số điểm của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng theo hướng “cởi mở hơn nhưng không phải hạ chuẩn”.
Các ngân hàng đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống nghiêm túc thực hiện việc giảm lãi suất đầu vào; giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý các dự án bất động sản để triển khai giải ngân; hỗ trợ các ngành du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo,… tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn rủi ro hệ thống, trục lợi chính sách… Cùng với đó, tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là ưu tiên cho các dự án trọng điểm; chấn chỉnh các nhà thầu yếu kém…
ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG HẤP THỤ VỐN ĐỂ CÓ GIẢI PHÁP PHÙ HỢP
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh ngân hàng là định chế đặc biệt quan trọng, nên tăng trưởng tín dụng phải gắn với đảm bảo an toàn cho hệ thống. Việc điều hành thị trường tiền tệ cũng phải tuân thủ các quy luật của thị trường…
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính từ đầu năm đến ngày 16/5, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2022 và tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2022. Dư nợ toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng, tăng 2,72% so với cuối năm 2022 và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát các quy định, thủ tục, nếu thuộc về chủ quan thì tháo gỡ ngay để phục vụ tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phân tích sâu sắc hơn nữa các yếu tố liên quan đến cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; đánh giá kỹ lưỡng khả năng hấp thụ vốn của các nhóm doanh nghiệp; rà soát cơ chế chính sách để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định…
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
“Phải thiết lập mặt bằng lãi suất huy động hợp lý thì lãi suất cho vay mới phù hợp. Doanh nghiệp phát triển ngân hàng mới phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ông, căn cứ vào nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ giá, kết nối ngân hàng, doanh nghiệp… Rà soát, hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý đồng bộ cho các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi, đảm bảo nhiệm vụ ổn định giá trị đồng tiền, kinh tế vĩ mô, tỷ giá và an toàn hệ thống ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, ông cũng nhắc nhở cơ quan điều hành chính sách tiền tệ và các bộ, ngành liên quan cần phải phản ứng chính sách nhanh hơn, thông tin kịp thời để dư luận hiểu, đồng thuận; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.