Những hiểu biết sâu sắc về nhu cầu đặc biệt của người cao tuổi ở mọi lứa tuổi là rất quan trọng để nắm bắt chính xác xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế bạc và cung cấp các dịch vụ chu đáo, chất lượng cao hơn cho người cao tuổi.
BAO TRÙM MỌI KHÍA CẠNH CUỘC SỐNG
Trong một báo cáo công bố vào đầu năm 2023, Ủy ban về quyền kinh tế, văn hóa và xã hội của Liên hợp quốc xác định “già hóa dân số” là một xu hướng mang tính toàn cầu. Ước tính thế giới hiện có trên 761 triệu người từ 65 tuổi trở lên, con số này dự kiến tăng lên 1,6 tỷ người vào năm 2050. Khi tuổi tác tăng lên, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe thể chất hàng ngày và dài hạn của người cao tuổi cũng tăng. Bên cạnh đó, với thời gian rảnh nhiều hơn, nền tảng kinh tế ổn định hơn, người cao tuổi ngày càng có xu hướng theo đuổi những hoạt động có thể làm phong phú đời sống tinh thần như: du lịch, giao lưu, tham gia các hoạt động văn hóa…
Bên cạnh những điểm chung, mỗi nhóm người cao tuổi ở các độ tuổi khác nhau lại có những nhu cầu riêng. Người mới nghỉ hưu hướng nhiều tới đời sống cộng đồng, văn hóa và giải trí, nhóm người cao tuổi hơn hướng nhiều tới chăm sóc sức khỏe và nhóm người rất cao tuổi hướng tới chăm sóc sức khỏe, sự an nhàn và tiện nghi trong cuộc sống. Với những đặc điểm nêu trên, già hóa dân số được coi là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội toàn cầu.
Sự già hóa dân số và nhu cầu đặc thù của người cao tuổi là cơ sở nền tảng của nền kinh tế bạc, thúc đẩy hình thành trụ cột mới phát triển kinh tế chất lượng cao nhằm duy trì, giảm bớt gánh nặng kinh tế dành cho người cao tuổi, thúc đẩy sự hài hòa và ổn định xã hội; đồng thời, là động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội chất lượng cao. Những hiểu biết sâu sắc về nhu cầu đặc biệt của người cao tuổi ở mọi lứa tuổi là rất quan trọng để nắm bắt chính xác xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế bạc và cung cấp các dịch vụ chu đáo, chất lượng cao hơn cho người cao tuổi.
Nền kinh tế bạc ngày càng được quan tâm ở các quốc gia. Năm 2020, thị trường toàn cầu cho sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi được ước tính đạt giá trị khoảng 15 nghìn tỷ USD. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ chứng kiến tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế bạc, do tốc độ già hóa dân số tăng nhanh ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ở châu Âu, nền kinh tế bạc chiếm khoảng 25% GDP. Phạm vi của nền kinh tế bạc không chỉ bao gồm chăm sóc sức khỏe mà còn mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác nhau: giải trí, giao thông, thực phẩm, an ninh, y tế, nhà ở, bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật số…
Ở nhiều nơi, nền kinh tế bạc còn tạo ra cơ hội đầu tư, khởi nghiệp, tạo việc làm trong các lĩnh vực:
Chăm sóc sức khỏe: dịch vụ y tế, bệnh viện, trung tâm điều dưỡng, dịch vụ chăm sóc tại nhà và các sản phẩm, thiết bị y tế đặc thù cho người cao tuổi.
Bất động sản: nhà ở chuyên biệt, các trung tâm chăm sóc dài hạn, cơ sở dưỡng lão và các khu nghỉ dưỡng thân thiện với người cao tuổi.
Giáo dục và đào tạo: các chương trình học tập suốt đời, đào tạo kỹ năng, nghề nghiệp để người cao tuổi có thể tiếp tục tham gia lực lượng lao động và vui sống.
Vui chơi giải trí: du lịch, hoạt động giải trí, sự kiện văn hóa và nghệ thuật, thể thao, các câu lạc bộ xã hội.
Công nghệ: thiết bị thông minh trên nền tảng AI, ứng dụng di động, trợ lý ảo và robot hỗ trợ giúp cải thiện cuộc sống hàng ngày của người cao tuổi. Theo một nghiên cứu, thị trường toàn cầu về “công nghệ cao cấp dành cho người lớn tuổi” sẽ đạt 82 tỷ USD vào năm 2030.
Dịch vụ tài chính: bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng, tiết kiệm hưu trí, tư vấn tài chính cá nhân và đầu tư, quản lý tài sản cho người cao tuổi;
Thực phẩm và dinh dưỡng: sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng được thiết kế riêng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của người cao tuổi.
Giao thông và vận chuyển: các dịch vụ vận chuyển, phương tiện giao thông dễ điều khiển, dễ tiếp cận và phù hợp cho người cao tuổi, cùng với các ứng dụng hỗ trợ di chuyển.
Lao động và việc làm: chính sách khuyến khích việc làm cho người cao tuổi, cung cấp cơ hội việc làm bán thời gian hoặc tư vấn chuyên môn, giúp họ tiếp tục đóng góp vào lực lượng lao động…
Như vậy, phạm vi của nền kinh tế bạc bao trùm mọi khía cạnh cuộc sống của người cao tuổi. Điều này vừa mở ra cơ hội vừa đặt ra những yêu cầu, thách thức đối với mỗi quốc gia trong việc chủ động hoạch định, phát triển nền kinh tế bạc phù hợp với điều kiện thực tế của quốc gia mình.
CƠ HỘI CHO VIỆT NAM
Việt Nam đang chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ dân số vàng sang xã hội già hơn, khi tỷ lệ sinh sụt giảm đáng kể trong thời gian dài. Do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng trước năm 2040, thậm chí sớm hơn.
Theo Ủy ban Kinh tế – Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ chỉ mất 18 năm để chuyển từ già hóa sang xã hội già vào năm 2036. Khoảng thời gian này ngắn hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Nhật Bản. Giai đoạn già hóa dân số ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ là 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069.
Một yếu tố cần quan tâm là sức khỏe của nhóm người cao tuổi ở Việt Nam. Thống kê của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình cho thấy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính như mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư…
Về khả năng chi tiêu, người cao tuổi ở Việt Nam thường có nguồn thu từ lương hưu, tiết kiệm và đầu tư; khả năng chi tiêu của họ phụ thuộc vào mức độ ổn định tài chính và kế hoạch tài chính cá nhân. Về thói quen tiêu dùng, những năm gần đây đã có sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng của người cao tuổi, với xu hướng tăng chi tiêu cho sức khỏe, du lịch, giáo dục và giải trí. Sự già hóa dân số, những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng người cao tuổi ở Việt Nam đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, xã hội nhưng cũng là cơ hội vàng để Việt Nam phát triển nền kinh tế bạc.
Trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước, ở giai đoạn hiện nay, Việt Nam nên bắt tay ngay vào nghiên cứu, đưa ra tầm nhìn, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc.
Một là, nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, đưa ra tầm nhìn, nhận thức về nền kinh tế bạc để phát triển toàn diện nền kinh tế bạc tại Việt Nam. Sự trỗi dậy của nền kinh tế bạc phản ánh sự đánh giá lại của xã hội đối với người cao tuổi, xã hội không còn coi họ chỉ là gánh nặng kinh tế mà thay vào đó ghi nhận sự đóng góp của họ cho xã hội và tiềm năng của họ với tư cách là người tiêu dùng…
ĐỔI MỚI NHẬN THỨC, HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT
Sự thay đổi về khái niệm này có lợi cho việc xây dựng một xã hội hài hòa, công bằng, bền vững hơn và sẽ là nền tảng để phát triển nền kinh tế bạc. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, cần tăng cường hoạt động truyền thông về nền kinh tế bạc đến cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước; chú trọng quảng bá các doanh nghiệp, hoạt động, sản phẩm nền kinh tế bạc điển hình….
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2024 phát hành ngày 24/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/phat-trien-nen-kinh-te-bac-10-goi-mo-cho-viet-nam.htm