Cần có đánh giá khoa học trên các loại thuốc lá mới đã được kiểm nghiệm
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương (BCT) Nguyễn Hồng Diên khuyến nghị BYT cần thực hiện đánh giá khoa học về tác hại của TLĐT, TLLN để có đủ cơ sở xây dựng khung pháp lý cho việc kiểm soát hiệu quả các sản phẩm này. Dựa trên đánh giá khoa học của BYT, BCT khẳng định sẽ ủng hộ việc sửa đổi các luật liên quan nếu BYT kết luận sản phẩm có hại đến mức phải cấm.
Cho đến nay, toàn bộ TLĐT, TLLN lưu hành trên thị trường chợ đen đều là hàng xách tay, buôn lậu không nguồn gốc, chất lượng, thậm chí TLĐT bị biến tướng thành công cụ chứa chất cấm trá hình. Do đó cần làm rõ, những hệ lụy ghi nhận trên thị trường hiện nay là từ các mặt hàng nhập lậu ngoài vòng kiểm soát.
Trước đó, Thứ trưởng BCT Phan Thị Thắng cho biết, trong nhiều năm qua, BCT đã tích cực tham khảo các nghiên cứu khoa học quốc tế, đơn cử như từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), để hoàn thiện nghiên cứu khoa học cấp Bộ mang tên “Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý thuốc lá mới tại thị trường Việt Nam” vào năm 2020.
Trong khi đó, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI) thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ (BKHCN) cũng đã công bố các tiêu chuẩn quốc gia về TLLN, TLĐT, xác định các sản phẩm này không có quá trình đốt cháy.
Như vậy, trong nước đã có các nghiên cứu về TLLN, TLĐT do BCT và Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện. Đây cũng là các sở cứ tham khảo trong quá trình đánh giá toàn diện về tác hại của TLLN, TLĐT, để từ đó đưa ra các giải pháp kiểm soát phù hợp.
Tham khảo nhiều nguồn thông tin khoa học để đánh giá đầy đủ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định TLLN có chứa thuốc lá. Mặt khác, trong công bố năm 2020 và báo cáo tại sự kiện COP10 (2024), WHO cũng nêu rõ, mặc dù vẫn có các chất tương tự như của thuốc lá điếu, nhưng hàm lượng các chất độc hại của TLLN là thấp hơn thuốc lá điếu. Kể từ COP8 (2018), WHO cũng khuyến nghị các quốc gia quản lý TLLN theo luật quốc gia.
Năm 2019, FDA Hoa Kỳ đã cấp phép cho 1 loại TLLN đầu tiên trong hàng loạt các sản phẩm TLLN nộp hồ sơ. Năm 2020, FDA tiếp tục cho phép sản phẩm TLLN này được công bố là sản phẩm thuốc lá “Điều chỉnh về mức độ nguy cơ – Giảm thiểu phơi nhiễm (với chất gây hại lên cơ thể)” (MRTP) và “phù hợp với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.
Tại Nhật Bản, năm 2017, Viện Nghiên cứu Quốc gia về Sức khỏe Cộng đồng kết luận: Hàm lượng nitrosamine (gây ung thư) và hàm lượng carbon monoxide (khí độc CO) của TLLN chỉ bằng 1/5 và 1/100 của thuốc lá điếu.
Cùng năm, Ủy ban Nghiên cứu về Độc tính của Hóa chất trong Thực phẩm, Sản phẩm tiêu dùng và Môi trường (COT) thuộc Bộ Y tế Anh cũng công bố kết quả nghiên cứu về nguy cơ độc tính của sản phẩm TLLN cho thấy: Hàm lượng các chất gây hại của TLLN đã giảm đáng kể, từ 50% đến 90%, so với thuốc lá điếu (nhiều chất còn ở dưới mức phát hiện của phép định lượng). Theo đó, chưa có bằng chứng cho thấy TLLN độc hại hơn thuốc lá điếu.
Song, FDA cũng lưu ý tất cả các sản phẩm thuốc lá, bao gồm TLLN đều có hại, đồng thời đưa ra khuyến cáo thanh thiếu niên và những người chưa từng hút thuốc lá thì không nên bắt đầu sử dụng TLLN hay bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào khác.
Theo thống kê đến nay, số lượng các quốc gia còn cấm TLLN, TLĐT ngày càng giảm, bởi lệnh cấm không phải là giải pháp giúp chính phủ các nước giảm tỷ lệ sử dụng TLĐT ở giới trẻ.
Mặt khác, các nước cấm còn phải chịu thiệt hại kép: nguồn thuế bị thất thu từ sản phẩm chính ngạch, song song với gánh nặng chi phí điều trị y tế do hàng nhập lậu kém chất lượng, trá hình.