Ngày 24-5, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng Hiệp hội tôm giống Bình Thuận tổ chức tọa đàm “Vì một ngành tôm phát triển bền vững”.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, xuất khẩu thủy sản năm nay khó đạt mục tiêu 10 tỉ USD nhưng 4 tháng đầu năm xuất khẩu chỉ mới đạt 2,6 tỉ USD, giảm đến 30% so với cùng kỳ 2022.
Riêng ngành tôm, 4 tháng đầu năm xuất khẩu mới được 887 triệu USD, giảm đến 37% so với cùng kỳ 2022. Từ đầu năm đến nay, nhiều ao tôm của bà con không đi vào nhà máy chế biến mà xuất bán sang Campuchia dưới dạng tươi sống; giá tôm nguyên liệu có xu hướng giảm, nhiều bà con không thả nuôi vụ mới.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Bình Thuận, cho rằng lâu nay nhiều người cứ nghĩ mảng tôm giống lãi lớn nhưng thực chất không phải vậy. Bản thân ông là Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung chuyên sản xuất tôm giống, 3 năm nay phải bù lỗ từ hoạt động của mảng khác.
“Doanh nghiệp nào cũng muốn chủ động con giống tôm nhưng không phải vùng nào của Việt Nam cũng có lợi thế tự nhiên về sản xuất con giống. Nên tập trung cho vùng có thế mạnh” – ông Hoàng Anh nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Bình Thuận cũng nêu thực tế thức ăn cho tôm của Việt Nam hàm lượng đạm quá cao, tôm tiêu hóa không hết, thải ra môi trường gây ô nhiễm. Hàm lượng đạm hơn 40% giá thành cao trong khi tôm chỉ cần lượng đạm 30-31% là đủ, như công thức nuôi tôm của Ecuador, điều này làm tăng giá thành.
Vua tôm Minh Phú phát biểu tại tọa đàm
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – thường gọi “vua tôm” Việt Nam, cho biết ngay cả vùng nuôi tôm của Minh Phú, quản lý vùng nuôi chỉ chấp nhận thức ăn có hàm lượng hơn 40% độ đạm.
Ông Quang cho hay giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam cao, các doanh nghiệp lấy mảng chế biến để bù cho giá nguyên liệu nhưng nay thì không thể mua giá cao nữa vì đầu ra giá thấp. Hiện các nhà máy chế biến rất khó khăn, không có đầu ra, bị tắc dòng tiền, không có tiền trả nợ đến hạn nên buộc giảm giá đẩy hàng. Có doanh nghiệp giảm giá đến 50% và chúng ta càng giảm giá nhà nhập khẩu càng sợ vì không biết giá đã xuống đáy hay chưa.
“Vua tôm” Minh Phú nêu thực tế về gói tín dụng 10.000 tỉ đồng đang được đề nghị cho các doanh nghiệp thủy sản vay nhưng người nuôi tôm và sản xuất tôm giống không hy vọng sẽ tiếp cận được.
“Ngành nuôi tôm của Việt Nam quá rủi ro, tỉ lệ thành công thấp nên ngân hàng không dám cho vay. Ngay cả vùng nuôi của Minh Phú, tập đoàn bảo lãnh ngân hàng cũng không vay được. Nhiều người đang chết vì lòng tham khi thả tôm mật độ dày để có năng suất, thả tôm dày thì dễ bệnh, dễ chết” – ông Quang thẳng thắn.