Mới đây, lãnh đạo CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA) đã ra thông báo thay đổi các mức thưởng thắng hoặc hòa tại V-League. Cụ thể, sau khi tờ Thanh niên đã phản ánh ý kiến của một số cầu thủ SLNA về thông tin cắt lương, thưởng thì CLB SLNA đã có phản hồi, cũng như chia sẻ ý kiến của Chủ tịch Trương Sỹ Bá về những điều chỉnh mới nhất của đội bóng.
Trước khi giải đấu diễn ra, đội bóng được treo thưởng 500 triệu đồng cho trận thắng trên sân khách và 400 triệu đồng cho chiến thắng trên sân nhà. Tong 4 vòng đầu, SLNA thưởng 200 triệu đồng cho 2 trận hòa trên sân Thanh Hóa và Khánh Hòa.
Phản hồi về thông tin cắt giảm, phía ông Bá đã có phản hồi. Ông cho biết việc điều chỉnh chế độ thưởng ở phần còn lại của V-League 2023 là có thật, tuy nhiên nó sẽ không phải là cắt hẳn để đội bóng “đá chay”. SLNA sẽ bỏ khung thưởng cố định, nhưng thay vào đó sẽ thưởng nóng theo mức độ quan trọng của trận đấu.
Việc cắt giảm thưởng diễn ra trong bối cảnh kinh tế khó khăn, và doanh nghiệp do ông Trương Sỹ Bá dẫn dắt đang gặp nhiều thách thức. Đơn cử là Công ty Nông nghiệp BaF (BAF), những khó khăn về giá đầu vào, dịch tả và giá heo thấp kéo dài khiến lợi nhuận cốt lõi gần như không còn.
Cả quý 4/2022 và quý đầu năm 2023, lợi nhuận BAF gần như đến từ hoạt động thanh lý tài sản.
Chi tiết, doanh thu quý 1/2023 của BAF giảm 47% xuống còn 816 tỷ đồng. Trong kỳ, đáng chú ý có lãi vay tăng đột biến (từ 4 tỷ lên hơn 22 tỷ đồng) khiến Công ty lỗ thuần 3 tỷ. Nhờ nguồn thu từ việc thanh lý tài sản, BAF vẫn có lợi nhuận sau thuế với gần 4 tỷ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch Trương Sỹ bá cho biết quý 1/2023, kết quả thấp do khó khăn từ thị trường. Nguyên nhân thứ hai, liên quan đến chi phí, quý 1 xây dựng rất nhiều trang trại nên chi phí tăng mạnh.
Hiện, tổng đàn của BAF ghi nhận vào khoảng 230.000 đầu heo. BAF định hướng tiếp tục mở rộng hệ thống trang trại hiện đại, đưa vào vận hành thêm 9 trại vào cuối năm 2024. Dự kiến tổng đàn BAF sẽ đạt 90.000 heo nái và 2,2 triệu heo thương phẩm, hướng đến lọt Top 3 công ty chăn nuôi.
Ngoài ta, theo đuổi mô hình 3F, BAF thời gian tới còn có hai bài toán lớn cần giải quyết:
Đầu tiên là là thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Hiện, người tiêu dùng Việt trên 90% cứ ra chợ mua thịt tươi, hay còn gọi là thịt nóng. Thậm chí, bà nội trợ còn sờ, nhấn thịt không lún mới tươi, mới mua.
Bài toán thứ hai chính là phụ phẩm. Doanh nghiệp giết mổ càng nhiều, bán được nhiều thịt nhưng phụ phẩm cũng dư rất nhiều. Do đó, BAF hiện nay tập trung xử lý phụ phẩm, giải quyết được mới bán được.
Hiện, Siba Food của BAF đang xây dựng chuỗi cửa hàng theo mô hình mẹ và con. Tương tự Bách Hoá Xanh, Siba Food sẽ có một cửa hàng lớn (cửa hàng mẹ) tại một điểm, từ đó phát triển 7-10 cửa hàng con lân cận với tên gọi là Meat Shop.