Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương chia sẻ cát để san lấp cho 5 dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long và đường vành đai 3 TP HCM.
Ông Hà đưa ra yêu cầu tại cuộc họp diễn ra ở Bến Tre với các bộ ngành, địa phương về giải quyết nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía nam, chiều 24/6.
Theo ước tính, tổng nhu cầu cát san lấp cho 5 dự án đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long và đường vành đai 3 TP HCM lên tới 63 triệu m3; hiện thiếu hụt 24,4 triệu m3.
Dự kiến nguồn cung cát sông và cát thu hồi từ các dự án nạo vét khơi thông luồng sông khoảng 66 triệu m3 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho các dự án này. Trong đó, An Giang cung cấp 4,5 triệu m3, Tiền Giang 41,8 triệu m3 và Bến Tre 25,3 triệu m3.
Riêng dự án đường vành đai 3 TP HCM gặp khó khăn lớn về nguồn cát san lấp. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đang nỗ lực hoàn thiện thủ tục để cung cấp cát cho dự án.
Các địa phương và chủ đầu tư đã đăng ký sử dụng khoảng 24,9 triệu m3 cát biển tại Sóc Trăng để phục vụ cho nhiều dự án cao tốc. Sóc Trăng đã hoàn thành hồ sơ và sẵn sàng khai thác ngay khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Sau khi lãnh đạo các địa phương thảo luận về phương án “vay cát” lẫn nhau, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có hướng dẫn chi tiết để điều tiết các mỏ cát theo phương thức cho vay – hoàn trả. Việc này nhằm giúp các dự án cao tốc xây dựng đúng tiến độ mà không làm thay đổi tổng nguồn cát đã phân bổ cho các địa phương.
Ông Hà cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đầy đủ giải pháp bảo vệ môi trường khi sử dụng cát biển thay thế cát sông làm vật liệu san lấp.
Việc thiếu hụt vật liệu đắp nền (cát, đất) cho các công trình giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực miền Nam. Miền Bắc và Trung có mỏ đất, đá để khai thác bù đắp, nhưng miền Nam lại thiếu hụt nguồn này. Cát sông vốn là nguồn cung cấp chính cho các công trình giao thông tại miền Nam đang dần cạn kiệt. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm.
10 ngày trước, Thủ tướng đề nghị các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre ưu tiên toàn bộ trữ lượng các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn (khoảng 57,16 m3) để cấp cho các dự án trọng điểm như Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn qua Cần Thơ, Hậu Giang và vành đai 3 TP HCM.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2021-2025 ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm, tổng nhu cầu vật liệu đắp nền gần 77 triệu m3, trong đó cát đắp khoảng 70 triệu m3. Khối lượng còn thiếu là 24,4 triệu m3, chưa xác định được nguồn.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cac-tinh-phia-nam-chia-se-cat-de-lam-cao-toc-4762137.html