Sâu thẳm lòng sông, hồ ở Tây Phi, ẩn mình trong lớp bùn dày, có một loài cá mang trong mình khả năng sinh tồn phi thường, khiến nó trở thành một trong những sinh vật kỳ lạ nhất hành tinh – Cá phổi Tây Phi (Protopterus annectens).
Khác với những người anh em họ chỉ biết sống dưới nước, cá phổi Tây Phi sở hữu bí kíp độc đáo giúp chúng có thể “du hành giữa hai thế giới”, tồn tại qua nhiều năm khô hạn khắc nghiệt mà không cần thức ăn hay nước uống. Tuy nhiên, nghịch lý thay, chính khả năng phi thường này lại vô tình biến chúng thành mục tiêu săn bắt của con người, đẩy loài cá độc đáo này vào vòng xoáy nguy cơ tuyệt chủng.
Các loài cá bình thường khó có thể tồn tại trên cạn vì mang của chúng không thể trao đổi oxy trong không khí khô và chỉ có thể thở từ nước. Tuy nhiên, mang của cá phổi Tây Phi rất khác biệt, và bề mặt của nó được bao phủ bởi các mạch máu nhỏ.
Chức năng của mạch máu là trao đổi khí với môi trường xung quanh, nếu cá phổi Tây Phi ngâm mang trong nước, nước sẽ đi qua mang, oxy trong nước sẽ được hòa tan vào trong máu và được vận chuyển đi khắp cơ thể cá.
Cá phổi, hay còn gọi là Lungfish, là nhóm cá nước ngọt nổi tiếng với khả năng sống sót trên cạn trong thời gian dài mà không cần nước. Chúng thuộc về phân lớp Dipnoi, sở hữu nhiều đặc điểm nguyên thủy và được xem là hậu duệ của cá vây thùy – tổ tiên của động vật có vú.
Cá phổi có phổi thô sơ nằm ở khoang mang, giúp chúng tiếp nhận oxy trực tiếp từ không khí. Nhờ vậy, chúng có thể sống sót qua mùa khô hạn khi nguồn nước cạn kiệt.
Ngoài mang, cá phổi còn có một cơ quan khác rất giống động vật trên cạn, đó là “phổi”, có thể tái hấp thụ đủ lượng oxy từ không khí, để cá phổi Tây Phi có thể thở trên cạn – chúng sẽ hít thở không khí bằng cách mở các lỗ mũi.
Trên thực tế, “phổi” của cá phổi Tây Phi về cơ bản không khác gì phổi của động vật trên cạn. Chúng đều là cơ quan trao đổi khí. Hai cơ chế hô hấp hoàn toàn khác nhau này mang lại cho loài cá phổi Tây Phi khả năng thích nghi rất mạnh mẽ và tồn tại linh hoạt dưới nước cũng như trên cạn.
Điểm đặc biệt nhất của cá phổi Tây Phi chính là khả năng tự bảo tồn phi thường. Khi mùa khô đến và nguồn nước cạn kiệt, cá phổi sẽ đào hang sâu trong lòng bùn, bao bọc cơ thể trong lớp nhầy dày và tiến vào trạng thái “ngủ đông”.
Trong giai đoạn này, quá trình trao đổi chất của chúng giảm xuống mức tối thiểu, tiêu thụ rất ít năng lượng và tự trao đổi khí bằng phổi, tương tự như động vật lưỡng cư. Nhờ vậy, cá phổi có thể sống sót trong nhiều tháng, thậm chí lên đến 4 năm mà không cần nước hay thức ăn.
Khi mùa mưa đến và nguồn nước dồi dào, cá phổi Tây Phi sẽ tỉnh dậy từ trạng thái ngủ đông. Cơ thể chúng sẽ tái hấp thu nước và các cơ quan nội tạng bắt đầu hoạt động trở lại. Sau đó, cá phổi sẽ bơi ra khỏi hang và tiếp tục cuộc sống bình thường trong môi trường nước.
Tuy nhiên, khả năng phi thường của cá phổi Tây Phi cũng khiến chúng trở thành mục tiêu săn bắt của con người. Khi mùa khô đến, người dân thường tìm đến những con sông đã cạn để đào hang và bắt cá phổi. Cá phổi được coi là nguồn protein và vitamin dồi dào, cung cấp thức ăn cho con người trong những thời điểm khó khăn.
Tuy nhiên, việc săn bắt quá mức, cùng với sự ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đang đe dọa sự tồn tại của cá phổi Tây Phi. Hiện nay, loài cá này được xếp vào nhóm nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN.
Nguồn tin: https://genk.vn/loai-ca-ky-la-nhat-chau-phi-an-minh-duoi-long-dat-nhieu-nam-khong-can-an-uong-nhung-van-khong-the-thoat-khoi-ban-tay-cua-con-nguoi-20240622130856824.chn