Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết một số thuốc bán trên sàn thương mại điện tử gây nhiều tác dụng phụ như chảy máu, dị ứng.
Thảo luận dự án luật Dược tại tổ ở Quốc hội chiều 18/6, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Phó ban Dân nguyện, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) lo ngại khi thời gian qua nhiều loại thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh được quảng bá, rao bán trên một số sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok shop. Trong đó, một số loại thuốc gây nhiều tác dụng phụ như chảy máu, dị ứng.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các loại thuốc trên sàn thương mại điện tử”, bà Hà nói.
Bà Nhị Hà cũng băn khoăn nguyên nhân giá thuốc trên các sàn thương mại điện tử lúc nào cũng rẻ hơn giá bán buôn của các cơ sở kinh doanh thuốc truyền thống. Bà cho rằng phải đặt vấn đề về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm lên trên hết và ban soạn thảo cần đưa ra quy định để quản lý thuốc chặt chẽ.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Giám đốc Sở An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM) dẫn số liệu của một số quốc gia cho biết 75% thuốc phân phối qua mạng là thuốc kém chất lượng và thuốc giả. Tại Việt Nam, việc quản lý chất lượng thuốc đối với các nhà thuốc lớn còn tồn tại nhiều khó khăn “nên quản lý thuốc bán trên mạng không phải là điều dễ dàng”.
“Nhưng nếu không quản lý chặt, chúng ta sẽ thả gà ra đuổi. Mà gà ở đây chính là tính mạng của người dân”, bà cảnh báo và đề nghị không đưa thuốc kê đơn vào danh mục thuốc được bán qua sàn thương mại điện tử.
Đại biểu Hoàng Anh Công đề nghị quản lý quảng cáo thuốc trên mạng vì bị ám ảnh với các video quảng cáo “nhà tôi ba đời bán thuốc, uống cái khỏi ngay”. “Nhiều người tin vào các quảng cáo này và mua thuốc qua mạng nên tiền mất, tật mang”, đại biểu Hoàng Anh Công, Phó ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nói bản thân ông không có ngày nào không có người dân gọi đến hỏi “thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh sử dụng không mà người ta sử dụng hình ảnh anh để bán trên mạng rất nhiều”.
Theo bác sĩ Lân Hiếu, quản lý quảng cáo được rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng riêng đối với thuốc, cần quy định rõ trách nhiệm Bộ Y tế. Ông đề nghị ghi rõ trong dự thảo Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội; cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết để phòng tránh.
Chính phủ muốn hậu kiểm nội dung quảng cáo thuốc
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Dược, trong đó đề xuất bỏ quy định phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước khi quảng cáo thuốc nhằm tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp. Chính phủ sẽ quy định chi tiết yêu cầu đối với nội dung này.
Hiện nay thông tin quảng cáo thuốc phải tuân thủ hướng dẫn sử dụng được Bộ Y tế phê duyệt và theo tài liệu, hướng dẫn chuyên môn do Bộ ban hành, công nhận. Bà Lan cho rằng bản chất của việc xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc là xác nhận nội dung đã phê duyệt, là thủ tục hành chính cần cắt giảm để tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên đa số thành viên của cơ quan thẩm tra – Ủy ban Xã hội của Quốc hội, không đồng ý với đề xuất này. Các đại biểu cho rằng chuyển hoàn toàn quản lý quảng cáo thuốc sang cơ chế “hậu kiểm” là không phù hợp. Nguyên nhân là quảng cáo thuốc hiện còn nhiều bất cập, nhiều trường hợp quảng cáo không đúng giá trị, công dụng làm ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý người dân.
Bên cạnh đó, việc thanh kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên và kịp thời do nhân lực ở cơ quan quản lý tại Trung ương và địa phương còn hạn chế, chưa được bố trí tương xứng về nhiệm vụ. Các đại biểu đề xuất kết hợp “tiền kiểm” và “hậu kiểm”, bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về quảng cáo thuốc.
Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng hoặc sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh.
Tại lần sửa đổi này, Chính phủ cũng đề xuất nhiều chính sách mới như quy định kinh doanh dược phẩm thông qua sàn thương mại điện tử, ứng dụng mua hàng online; cấm kinh doanh trên mạng xã hội; quy định mới về chứng chỉ hành nghề dược; quản lý giá dược phẩm; quản lý oxy y tế.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhieu-thuoc-ban-tren-san-thuong-mai-dien-tu-gay-chay-mau-di-ung-4759708.html