Axit uric cao nên ăn thịt heo nạc
Thịt lợn là loại thực phẩm thông dụng với cách chế biến đa dạng nên xuất hiện phổ biến trong mâm cơm của nhiều gia đình Việt. Ở từng phần thịt trên các vị trí khác nhau thì lượng dinh dưỡng và hàm lượng purin cũng có sự khác biệt.
Thịt nạc lợn có hàm lượng purin thấp nhất, dao động từ 100 – 150mg/100g. Thịt ba chỉ, sườn non có hàm lượng purin cao hơn hẳn, dao động từ 150 – 250mg/100g. Lòng lợn, gan lợn, thận lợn và một số bộ phận nội tạng khác có hàm lượng purin rất cao, từ 250 – 450mg/100g.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho những người có axit uric cao, người bệnh nên ưu tiên sử dụng các món ăn được chế biến từ phần thịt lợn ít mỡ, tuyệt đối không sử dụng nội tạng để không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Bên cạnh đó, trước khi ăn cần rửa thịt sạch sẽ nhằm tránh hiện tượng purin tăng cao trong quá trình chế biến. Cần hạn chế các cách chế biến thịt bằng phương pháp hầm, chiên ngập dầu hoặc chế biến với các thực phẩm nhiều purin khác.
Người axit uric cao nên ăn ức gà
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một khẩu phần ức gà nướng 85g không xương, không da cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu: 128 calo, 2,7g chất béo, 44mg natri và 26g protein. Nguồn dinh dưỡng dồi dào trong thịt gà có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng, cholesterol và huyết áp.
Tuy nhiên, người bệnh gout cần lưu ý về lượng thịt gà tiêu thụ mỗi ngày, lựa chọn bộ phận phù hợp và cách chế biến khoa học để hạn chế ảnh hưởng đến bệnh. Người có axit uric cao nên tránh ăn gan gà và hạn chế các bộ phận có hàm lượng purin trung bình để bảo vệ sức khỏe.
Khi chế biến thịt gà, cần loại bỏ phần da vì chứa nhiều purin và chất béo không tốt. Nên luộc gà hoặc nướng thay vì các phương pháp chế biến nhiều dầu mỡ khác để giảm đáng kể hàm lượng purin. Ngoài ra, tránh chế biến thịt gà với rượu bia hoặc sữa giàu chất béo, hạn chế ăn gà hầm hay nấu súp vì lượng purin trong quá trình nấu nướng sẽ hòa tan vào nước.
Về lượng ăn, người có axit uric cao chỉ nên ăn khoảng 100-150g mỗi bữa, 2-3 lần mỗi tuần. Ngoài ra, nên kết hợp thịt gà với nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường chất xơ, hỗ trợ đào thải axit uric.
Axit uric cao nên hạn chế ăn cá
Cá là thực phẩm giàu dinh dưỡng, cung cấp protein, omega-3, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, người có axit uric cao vẫn luôn băn khoăn liệu họ có thể ăn cá hay không và làm thế nào để ăn cá một cách an toàn và tốt cho sức khỏe.
Người axit uric cao và những bệnh nhân gout vẫn hoàn toàn có thể ăn cá nhưng cần có sự chọn lọc giữa vô số các loại cá khác nhau. Cụ thể, người bệnh nên ưu tiên lựa chọn các loại cá như cá bơn, cá tuyết, cá chình, cá rô phi, cá diêu hồng,… vì hàm lượng purin trong những loại cá này thường dưới 150mg/100g.
Ngoài ra, bạn cũng cần tránh sử dụng các loại cá như cá cơm, cá mòi, cá trích, cá thu, cá ngừ,… vì hàm lượng purin trong những loại cá này thường trên 150mg/100g. Đặc biệt, dù lựa chọn bất cứ loại cá nào, người bệnh cũng không ăn cá quá thường xuyên hoặc ăn quá nhiều bởi đều tiềm ẩn những nguy hại về mặt sức khỏe.