Khởi nguồn là ứng dụng khai báo y tế, sau 3 năm VNeID tích hợp 12 tiện ích dịch vụ công trực tuyến song một số thủ tục người dân phải đến trực tiếp để hoàn tất.
Tháng trước, gia đình anh Nguyễn Nhất, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, chuyển chỗ trọ nên anh cần làm giấy tạm trú để đăng ký định mức điện, nước. Sau khi tìm hiểu trên mạng, anh sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức 2 để làm thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các tờ khai được anh viết tay, ký rồi dùng điện thoại chụp lại để nộp trực tuyến.
Theo anh Nhất, phải đến lần thứ hai các tờ khai của anh mới hết sai những lỗi như ghi đè, xóa chữ. Tuy nhiên, khi hồ sơ được chấp nhận, ba ngày sau là có kết quả. Toàn bộ quá trình đều được thông báo về tài khoản VNeID. Nam công nhân đến Công an phường Phú Thuận (quận 7) nộp 7.000 đồng lệ phí, nhận giấy xác nhận tạm trú. Cùng lúc, nơi ở mới cũng được cập nhật lên VNeID.
Anh Nguyễn Nhất là một trong 53,8 triệu tài khoản VNeID được kích hoạt. Với dân số 100 triệu người, VNeID đã có hơn một nửa dân cư có tài khoản sau 3 năm ra mắt và trở thành “siêu ứng dụng” trong lĩnh vực hành chính với hơn 1,5 triệu lượt truy cập, sử dụng mỗi ngày.
Mới đây tại hội nghị tháo gỡ các “điểm nghẽn” đề án ứng dụng dữ liệu dân cư và chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ 1/7 VNeID là tài khoản duy nhất thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử. Lâu nay cùng với VNeID, người dân làm thủ tục hành chính công trên cổng dịch vụ công quốc gia bằng 5 cách, gồm: mã số bảo hiểm xã hội, số điện thoại thuê bao chính chủ, thông qua bưu điện Việt Nam, USB ký số và sim ký số.
Ứng dụng VNeID được Bộ Công an ra mắt hồi tháng 9/2021, giữa bối cảnh Covid-19 bùng phát, với hai tính năng chính là khai báo y tế và di chuyển nội địa. Sau gần một năm, ứng dụng được đưa vào sử dụng, cho phép đăng nhập bằng khuôn mặt, vân tay, FaceID tạo thuận lợi cho người dùng
Bộ Công an đã triển khai thêm 11 tiện ích vào VNeID, như tích hợp thông tin cá nhân; sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; lưu trú; tố giác tội phạm; nhận thông báo liên quan khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp và hỗ trợ chi phí mai táng; nhận cảnh báo hết hạn căn cước công dân; khai báo thông tin cư trú, người phụ thuộc nộp thuế…
Ngoài ra, người dân còn được tích hợp các giấy tờ vào VNeID để thay cho bản cứng, như: căn cước công dân, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, hộ chiếu và thông tin cá nhân khác.
Theo đề án 06, VNeID sẽ được mở rộng thêm các tiện ích khác như thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử, điện, nước, chứng khoán, chi trả lương hưu, trợ cấp an sinh xã hội, thất nghiệp, thiên tai, bệnh dịch…
Với việc tích hợp nhiều tiện ích, liên thông xử lý nhiều dịch vụ công, ứng dụng được đánh giá tạo sự thuận tiện, song quy trình chung vẫn yêu cầu người dân đến cơ quan hành chính để hoàn tất. Đơn cử như xác nhận tạm trú, cấp mới, đổi căn cước công nhân, xác nhận độc thân, khai sinh… người dân vẫn phải đến cơ quan hành chính để nộp một số giấy tờ bản cứng.
Ngoài ra Nghị định 59 của Chính phủ về định danh và xác nhận điện tử nêu rõ VNeID sử dụng mã định danh cá nhân (số căn cước công dân gắn chip) và số điện thoại của người dân để đăng nhập. Trường hợp tài khoản mức 2 có thể dùng thay thế các giấy tờ đã được đồng bộ. Tuy nhiên, có trường hợp khi người dân trình VNeID thay giấy tờ đã không được chấp nhận.
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công, Viện Chính sách và Phát triển truyền thông IPS, cho rằng việc sử dụng một tài khoản VNeID để thực hiện dịch vụ công và tích hợp nhiều tiện ích vào một ứng dụng trên điện thoại là phù hợp với xu thế. Điều này mang lại nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Theo chuyên gia, bất kỳ một giao dịch giữa người dân và cơ quan hành chính đều có hai phần, gồm xác định nhân thân người đến giao dịch và quy trình nghiệp vụ xử lý, giải quyết hồ sơ, trả kết quả. Lâu nay, người dân muốn giao dịch phải trình các giấy tờ tùy thân với nơi tiếp nhận. Giờ đây, VNeID đã làm giúp phần đầu khi xác định được chính xác nhân thân người giao dịch. Cùng lúc, các quy trình nghiệp vụ được liên thông hoặc tích hợp lên ứng dụng sẽ giúp việc xử lý được nhanh, thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, ông Đồng cho rằng không nên kỳ vọng VNeID là “cây đũa thần”, mọi giao dịch phải được thực hiện trên đó. Ứng dụng này là một app trên điện thoại, phù hợp với một số một số mẫu giấy tờ, thủ tục. Vì vậy trên ứng dụng sẽ có những dịch vụ công thực hiện trên online, tức ngồi ở nhà làm được hết và có thủ tục chỉ làm được một phần. Quá trình thực hiện, cơ quan cần đánh giá, thứ tự ưu tiên từng thủ tục để làm từng bước.
“Xu thế đưa lên mạng là đúng nhưng không nên nôn nóng vì sức người có hạn”, chuyên gia nói, thêm rằng việc số hóa dịch vụ công không nên làm ồ ạt, khiến cán bộ, nhân viên thực hiện rơi vào quá tải. Chưa kể áp lực thành tích khiến cán bộ công chức phải làm thay người dân, tức người dân vẫn đến trụ sở nhưng thao tác trên máy tính là cán bộ.
Theo chuyên gia, có ba tiêu chí để lựa chọn thực hiện dịch vụ công hoàn toàn trên VNeID. Thứ nhất đảm bảo phù hợp về mặt kỹ thuật. Ví dụ với giấy phép lái dữ liệu ngành giao thông đã có, nhân thân ngành công an xác thực. Người dân bị mất chỉ cần gửi yêu cầu cấp lại sẽ được thực hiện ngay. Thứ hai là tính hiệu quả, tức số lượng người sử dụng dịch vụ càng lớn thì càng được ưu tiên. Cuối cùng là trách nhiệm thi hành, quyết tâm của bộ, ngành, địa phương bỏ qua lợi ích cục bộ để đưa các dịch vụ công lên môi trường mạng.
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ung-dung-vneid-sau-3-nam-trinh-lang-4757171.html