Tăng trưởng trên 30% ở tất cả các thị trường
Trong 4 tháng đầu năm 2023, mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài đã mang về cho FPT 7.315 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là tất cả các thị trường đều đạt mức tăng trưởng trên 30% trong đó dẫn đầu là thị trường APAC: tăng 64% và Nhật Bản tăng 36,4% so với cùng kỳ (tăng 46,3% tính theo đồng Yên). FPT cũng đã khai thác tối đa các cơ hội từ thị trường toàn cầu với khối lượng đơn hàng ký mới tăng 37,1%, đạt 12.359 tỷ đồng.
Mới đây, FPT đã liên tiếp mở hai văn phòng mới tại Hàn Quốc và Nam Ninh, Trung Quốc để tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số và thị trường công nghệ ô tô, chip bán dẫn toàn cầu. Theo đại diện FPTTrung tâm chiến lược phần mềm tại Nam Ninh, Trung Quốc dự kiến đạt quy mô 200 nhân sự, tập trung vào khách hàng trong lĩnh vực công nghệ ô tô và sản xuất chip bán dẫn, tài chính ngân hàng, chăm sóc sức khỏe. Còn tại thị trường Hàn Quốc, FPT cho biết dự kiến mở thêm các văn phòng tại nhiều khu vực trọng điểm như Gangnam, Pangyo hướng tới trở thành Trung tâm dịch vụ Toàn cầu, cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn diện từ tư vấn, triển khai vận hành, quản lí và duy trì và hỗ trợ đắc lực cho các khách hàng toàn châu Á.
Tại trường châu Âu, FPT cũng vừa mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với IONITY nhằm giúp công ty vận hành mạng lưới sạc điện ô tô hàng đầu châu Âu này đẩy nhanh quá trình số hóa các quy trình kinh doanh và vận hành thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. IONITY hiện phát triển và vận hành mạng lưới sạc xe điện hàng đầu châu Âu ở 24 quốc gia.
Mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu từ nước ngoài
Theo chia sẻ của Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa, “Trong năm 2023, mảng CNTT cho thị trường nước ngoài hướng đến doanh thu 1 tỷ USD”.
Với kết quả 4 tháng đầu năm như trên, FPT đã đi được 30% chặng đường đến với mục tiêu 1 tỷ USD ngoại tệ mang về từ nước ngoài. Theo dự báo của Công ty chứng khoán Rồng Việt, trong quý 2/2023, mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT sẽ tiếp tục duy trì vai trò dẫn dắt, tăng trưởng doanh thu 28% so với cùng kỳ. Và cùng với tiềm năng lớn của thị trường, Rồng Việt dự phóng tăng trưởng của mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT trong năm 2023 sẽ tăng 27% và đạt 24.084 tỷ đồng; LNTT tăng 25%, đạt 3.733 tỷ đồng.
Theo dự báo của Gartner, nhu cầu chi tiêu cho CNTT toàn cầu năm 2023 dự kiến sẽ tăng 5,1%, đạt 4.600 tỷ USD, cao hơn mức tăng trưởng 3% của 2022 nhờ sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu triển khai các sáng kiến số thúc đẩy kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu để đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế. Các ngành trọng điểm có nhu cầu chuyển đổi số cao bao gồm: Dịch vụ Chuyên sâu và Bán lẻ; Cơ sở Hạ tầng; Dịch vụ Hành chính. Trong khi đó, Chứng khoán và Đầu tư sẽ có tốc độ tăng trưởng chi tiêu chuyển đổi số nhanh nhất với CAGR 5 năm là 20,6%, theo sát là Ngân hàng và Chăm sóc Sức khỏe với CAGR lần lượt là 19,4% và 19,3%.
Toàn cầu hóa là một trong những hướng đi chiến lược và là động lực tăng trưởng chính của FPT trong nhiều năm qua. Năm 2023, bên cạnh mục tiêu 1 tỷ USD doanh số, FPT còn hướng đến trở thành công ty toàn cầu ở tất cả các khía cạnh từ nguồn lực, mô hình kinh doanh, sản xuất đến hỗ trợ vận hành các hệ thống toàn cầu.