Cha mẹ nào trên đời này cũng mong con mình lớn lên thành công và có cuộc sống tốt đẹp. Nhưng thực tế đôi khi khác xa mơ ước, bởi việc giáo dục con cái chưa bao giờ là hành trình dễ dàng.
Khi con đi học, nhiều phụ huynh nghĩ rằng chỉ cần chọn được trường tốt, thầy giỏi cho con thì mọi việc sẽ ổn thỏa. Họ chỉ trông chờ vào nhà trường mà quên rằng vai trò của cha mẹ đối với việc dạy dỗ con cái hàng ngày là vô cùng quan trọng. Có những đứa trẻ trông có vẻ thông minh, học hành giỏi giang được mọi giáo viên yêu thích, nhưng về sau tương lai không khả quan, nguyên nhân chính cũng xuất phát từ phương pháp giáo dục của gia đình.
Trường hợp của Lele, con trai bà Lý (Trung Quốc) – một đứa trẻ được mệnh danh “thần đồng” là ví dụ. Năm 17 tuổi, em đã được nhận vào một trường đại học danh tiếng trong nước với điểm số đứng thứ ba toàn trường. Cha mẹ em rất tự hào, mỗi lần họ hàng, bạn bè đến thăm đều hết lời khen ngợi con.
Tuy nhiên, chưa đầy hai tháng sau khi vào đại học, bà Lý đã nhận được một cuộc gọi từ nhà trường. Lúc đầu, người mẹ nghĩ rằng con đã phạm phải điều gì đó hoặc thành tích học tập có sa sút. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như bà nghĩ.
Trong quá trình nói chuyện với giáo viên, bà Lý nhận ra rằng đứa trẻ không có cách nào hòa nhập với cuộc sống tập thể, cũng như không thể sống tự lập. Bạn cùng phòng của Lele thường báo cáo với trường rằng cậu không biết cách tự dọn dẹp, vệ sinh nơi ở khiến ai nấy bức xúc và ngán ngẩm. Nếu điều này tiếp tục, Lele có thể sẽ bị đuổi học.
Lúc này bà Lý mới nhận ra sai lầm của mình. Bởi trước khi con vào đại học, ngoại trừ việc học, mọi việc lớn nhỏ đều do gia đình sắp đặt. Ngay từ năm thứ ba trung học, bà Lý đã thuê một căn hộ cạnh trường để chăm sóc con, vì vậy Lele về cơ bản hoàn toàn không có kinh nghiệm sống tự lập, thậm chí còn không tự giặt được đôi tất.
Cuối cùng, sau khi thảo luận với nhà trường, bà mẹ không còn cách nào khác đành phải bảo lưu kết quả học tập cho con, dự định dành nửa năm để trau dồi khả năng tự chăm sóc bản thân của đứa trẻ.
Những đứa trẻ kiểu này nhìn qua có vẻ thông minh nhưng lớn lên khó thành đạt
Ông Trần Cát Ninh, cựu hiệu trưởng trường ĐH Thanh Hoa cho rằng, có những kiểu trẻ có thể mới đầu thông minh, học giỏi nhưng ra đời khó thành công:
1. Trẻ phụ thuộc, thiếu tự lập
Nhiều phụ huynh cũng giống như trường hợp của bà Lý, chỉ muốn con đạt điểm xuất sắc nên không cho con động vào bất cứ thứ gì không liên quan đến việc học. Cách giáo dục này tưởng chừng tốt cho trẻ nhưng thực chất lại là tác hại vô cùng lớn. Trước khi con chưa thành niên thì có thể chưa thể hiện ra, nhưng khi con vào đại học, cha mẹ mới nhận ra sai lầm của mình lớn đến nhường nào.
Cha mẹ nên khuyến khích và hướng dẫn con hình thành suy nghĩ và thực hiện lối sống tự lập. Trẻ có thể bắt đầu làm những việc trong khả năng như: Dọn dẹp nhà cửa, nấu món ăn đơn giản, chăm sóc cây cảnh,… Điều này không chỉ giúp trẻ trở nên tự lập mà còn khiến trẻ thêm hiểu giá trị bản thân, cảm thấy hạnh phúc vì được làm việc có ích. Những đứa trẻ biết làm việc nhỏ sẽ làm được việc lớn sau này. Trẻ sẽ trở thành người tự tin, chủ động trong công việc, được mọi người xung quanh quý mến.
2. Trẻ không chịu được thất bại
Nếu một đứa trẻ chỉ biết chăm chỉ học tập, không linh hoạt, không có óc sáng tạo thì khi lớn lên nhất định sẽ bị đào thải theo thời gian. Điểm số không phải là tất cả trong cuộc sống. Nếu cha mẹ chỉ tập trung vào việc nâng cao thành tích cho con cái mà bỏ qua những khả năng khác, đứa trẻ có thể khó khăn khi ra cuộc sống xã hội sau này.
Nghiên cứu của cộng đồng giáo dục Hoa Kỳ chỉ ra rằng sự bền bỉ và khả năng tập trung chính là yếu tố dự báo thành công trong cuộc sống của một người, chứ không phải là IQ. Theo nội dung nghiên cứu, sự tập trung là nền tảng của việc học tập khi trẻ còn nhỏ. Sự bền bỉ là việc kiên trì, đeo đuổi đam mê của mình tới cùng, khi trẻ dần trưởng thành. Đây là những yếu tố cơ bản, góp phần làm nên sự thành công của một người trưởng thành.
Do đó, khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên rèn luyện cho trẻ khả năng tập trung và óc quan sát, tìm tòi, sáng tạo. Đây là nền móng vững chắc, giúp trẻ có được tiến bộ trong tương lai. Khi con gặp thất bại, thay vì chỉ trích, cha mẹ động viên con chấp nhận thử thách lần 2, phân tích kỹ để rút kinh nghiệm. Nếu con thất bại đã ngay lập tức đầu hàng thì mọi việc sẽ ngày càng tồi tệ. Nhưng chấp nhận thử thách lần 2, 3, 4… và tìm cách vượt qua sẽ cho con nhiều động lực hơn. Khi ấy, dù con thành công hay không, thì con vẫn sẽ học được vô khối bài học làm người.
Đồng thời, trong cuộc sống, cha mẹ cũng nên tôn trọng con và cho phép trẻ bày tỏ ý kiến để phát huy tư duy độc lập.