Ngay đầu phiên giao dịch chiều 14/6, cổ phiếu HVN của tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tăng trần đạt mức gía 30.900 đồng/cp. Cổ phiếu này vừa chứng kiến chuỗi đà ‘thăng hoa” khi kể từ cuối tháng 3 cho tới nay đã ghi nhận mức tăng 128%. Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 8/2019.
Cần biết, cổ phiếu HVN chỉ được giao dịch trong phiên chiều kề từ ngày 12/7/2023 do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022. Ở mức giá hiện tại, vốn hóa của Vietnam Airlines đã đạt mức 68.400 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), tăng 41.300 tỷ so với đầu năm.
Cổ phiếu của hãng hàng không này bật tăng kể từ sau khi báo kết quả lãi lớn nhất lịch sử trong quý 1/2024. Theo BCTC quý 1/2024, doanh thu thuần của Vietnam Airlines đạt gần 28.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines cổ phần hóa vào năm 2015.
Trong quý đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận khác đạt 3.672 tỷ đồng. Kết quả, hãng bay này báo lãi ròng đạt 4.334 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 103 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lãi kỷ lục mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý kể từ khi thành lập.
Theo ông Đặng Anh Tuấn – Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines nói tại Hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?” sáng 17/5, lãi quý 1/2024 của doanh nghiệp chủ yếu đến từ khoản thu nhập khác, như việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines, thay vì tới từ giá vé đắt đỏ như mọi người vẫn nghĩ.
Mặc dù tình hình kinh doanh có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số tồn đọng. Tại thời điểm 31/3, Vietnam Airlines còn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 12.556 tỷ đồng. Điều này khiến cổ phiếu HVN nằm diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) của HoSE và đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc.
Ngoài ra, hồi giữa tháng 5 vừa qua, Chính phủ cũng dự kiến trình Quốc hội phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay 4.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đây là nội dung rất quan trọng, cần xin ý kiến của Quốc hội. Nguyên nhân là tình hình tài chính của Vietnam Airlines hiện nay rất khó khăn, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Do vậy, Chính phủ xin Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay.
“Việc này không thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại luật Ngân hàng Nhà nước và cần phải được Quốc hội thông qua. Trước đây, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có văn bản báo cáo Bộ Chính trị” , ông Sơn nói.
Trước đó, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, Vietnam Airlines đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gói trợ cấp trị giá 12.000 tỷ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, mới đây, trước nỗi lo về việc thiếu tàu bay, Vietnam Airlines đã đạt thỏa thuận thuê thêm 3 máy bay Airbus A320 neo trong năm 2024. Chiếc đầu tiên nhận từ tháng 7, giai đoạn cao điểm nhất của mùa du lịch hè.
Thuê thêm máy bay là một trong những giải pháp quan trọng giúp hãng hàng không quốc gia Việt Nam đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách dịp cao điểm hè, trong bối cảnh ngành hàng không đang thiếu máy bay do ảnh hưởng từ việc nhà sản xuất triệu hồi động cơ trên toàn cầu. Ngoài ra, hãng cũng tăng cường khai thác gần 1 triệu ghế (tương ứng hơn 4.500 chuyến bay) trên các đường bay nội địa vào khung giờ muộn từ sau 21h hàng ngày.
Nguồn tin: https://cafef.vn/vietnam-airlines-dua-co-dong-bay-cao-mot-tuan-truoc-them-dhcd-thuong-nien-2024-co-phieu-tang-tran-len-muc-gia-cao-nhat-5-nam-von-hoa-tang-hon-41000-ty-188240614140836404.chn