“Godzilla Minus One”, giải Kỹ xảo xuất sắc Oscar 2024, phô diễn hiệu ứng VFX, lồng ghép thông điệp nhân văn hiếm thấy trong phim quái vật Hollywood.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Tác phẩm do đạo diễn Nhật Takashi Yamazaki chỉ đạo, lấy bối cảnh những ngày cuối của Thế chiến II năm 1945. Câu chuyện xoay quanh phi công cảm tử Koichi Shikishima (Ryunosuke Kamiki đóng), giả vờ gặp sự cố kỹ thuật để hạ cánh trên đảo Odo, nhằm tránh thực hiện nhiệm vụ tự sát. Một hôm, Godzilla tiến đến chỗ sửa chữa, giết chết những kỹ sư, chỉ có Koichi và đội trưởng Sosaku Tachibana (Munetaka Aoki) sống sót.
Tháng 12/1945, Koichi trở về Tokyo và gặp cô gái Noriko Oishi (Minami Hamabe). Godzilla, giờ đã trở thành con quái vật khổng lồ mang năng lượng hạt nhân, tấn công các tàu chiến Mỹ trước khi tiến đến Nhật Bản. Lúc này, Koichi ứng tuyển làm nhân viên trên tàu rà phá mìn Shinsei Maru, cố gắng ngăn chặn Godzilla để vơi bớt cảm giác tội lỗi sau sự cố năm xưa.
Tác phẩm có ngân sách 15 triệu USD nhưng mang màu sắc phim bom tấn nhờ sử dụng hiệu quả kỹ xảo. Phần lớn cảnh VFX sử dụng trong tình tiết cao trào, làm nổi bật hình ảnh Godzilla. Ban đầu, quái vật được mô tả giống khủng long, hung tàn đe dọa loài người. Sau đó, nó dần mạnh hơn nhờ hấp thụ năng lượng nguyên tử. Godzilla không chỉ có khả năng tự hồi phục mà còn tiến hóa với hơi thở màu xanh.
Trong cuộc phỏng vấn với A Frame, đạo diễn Takashi Yamazaki cho biết với nguồn lực hạn chế, đội ngũ phải tối đa hóa những gì có thể để mang lại hình ảnh Godzilla chân thực nhất. Tuy nhiên, Yamazaki không để yếu tố kỹ xảo làm phân tâm trong suốt quá trình thực hiện dự án. Thay vào đó, ông chú trọng xây dựng nội dung, quan niệm kịch bản là thành phần cơ bản để tạo nên chất lượng phim.
Theo Variety, phần VFX do công ty Shirogumi đảm nhận, 35 người thực hiện 610 cảnh phim chỉ trong tám tháng. Công ty có một compositor (người tạo ra hình ảnh cuối cùng của một đoạn phim) yêu thích VFX, anh thực hiện một số mô phỏng nước (water simulation) ở nhà và mang chúng đến văn phòng để cho mọi người xem. Đội ngũ đánh giá mô phỏng đạt chất lượng, từ đó êkíp vẽ ra nhiều cảnh trên biển, chia tỷ lệ các cảnh quay sao cho không làm thay đổi kịch bản gốc.
Nhiều chuyên trang điện ảnh đánh giá cao cách tối ưu hóa VFX của phim. Theo Guardian, so với các phim tiêu tốn ngân sách lớn, Godzilla Minus One tận dụng lợi thế khi Yamazaki từng là nghệ sĩ hiệu ứng hình ảnh, biết chính xác thứ ông muốn ở từng cảnh sử dụng hiệu ứng. “Dự án được sắp xếp có trình tự, về kỹ thuật lẫn câu chuyện, mỗi trình tự bổ sung cho nhau, làm tăng độ kịch tích của từng cú dậm chân, đập phá và hơi thở nguyên tử”, trang này viết.
Trang SlashFilm gọi tác phẩm là “kỳ tích điện ảnh”, không lạm dụng đồ họa máy tính CGI mà vẫn khai thác triệt để từng cử động của Godzilla trên màn ảnh. “Hầu hết phim Mỹ nặng về VFX đều có kinh phí hàng trăm triệu USD, Godzilla Minus One lại làm được nhiều hơn thế chỉ với 15 triệu USD”, cây bút Valerie Ettenhofer bình luận.
Kịch bản về nỗi đau hậu chiến giúp tác phẩm nổi bật so với các dự án về quái vật. Lấy nhân vật phi công cảm tử (kamikaze) làm trung tâm, phim khắc họa khía cạnh tâm lý người lính. Trong lịch sử, kamikaze được biết đến là những anh hùng xả thân vì đất nước, có thể tử trận bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, ngay từ đầu phim, đạo diễn cho thấy hình ảnh Koichi yếu đuối, không sẵn sàng để hy sinh.
Chàng trai giằng xé bởi câu hỏi: Phải chiến đấu vì tổ quốc hay giữ lời hứa về nhà với cha mẹ? Sau cùng, Koichi chọn trở lại Tokyo nhưng bị mọi người xung quanh săm soi, chịu sự khinh miệt của người hàng xóm Sumiko Ota (Sakura Ando).
Nhờ cuộc gặp gỡ tình cờ với Noriko và em bé mồ côi Akiko, nhân vật chính dần có mục đích sống. Nhưng anh lại hèn nhát, không dám đón nhận tình cảm của Noriko, thậm chí từ chối Akiko gọi mình là cha. Chỉ đến lúc Godzilla làm hại người anh thương, Koichi mới đủ can đảm trả thù, dù có phải mất mạng.
Biên kịch gia tăng kịch tính, khiến mạch phim trở nên gay cấn. Những vụ thử hạt nhân của Mỹ tại Bikini Atoll khiến Godzilla trở nên mạnh hơn trước. Trong khi đó, Nhật Bản không thể nhận được viện trợ từ Mỹ, phải tự chống chọi do căng thẳng với Liên Xô. Chính phủ không ban bố tình trạng khẩn cấp về sự xuất hiện của Godzilla, lo ngại thông tin khiến dân chúng hoảng loạn và đe dọa an ninh đất nước.
Đứng trước nguy hiểm, Koichi và đồng đội phải tự lực cánh sinh. Họ vạch ra kế hoạch chi tiết chống lại quái thú, bảo vệ người dân. Mạch phim lồng ghép câu chuyện chuộc lỗi của Koichi và công cuộc tái thiết đất nước để nêu bật tinh thần kiên định của người Nhật. Qua tác phẩm, nhà làm phim gửi thông điệp về sự nỗ lực của con người trước tình huống hiểm nghèo. Những người lính trong phim dù không lường trước được sức mạnh của sinh vật bí ẩn, họ không lùi bước và luôn hy vọng vào tương lai.
Theo Polygon, Godzilla vốn là nhân vật do các nghệ sĩ Nhật sáng tạo, sau được nhượng quyền cho Hollywood, nhưng cách tiếp cận của hai quốc gia rất khác biệt. Trong khi Godzilla ở vũ trụ Monsterverse (Mỹ) được xây dựng theo kiểu siêu anh hùng bảo vệ nhân loại, quái vật của điện ảnh Nhật đối trọng với loài người, làm nền cho nhân vật chính.
Tạp chí GQ gọi Godzilla Minus One là bộ phim về Godzilla hay nhất trong nhiều năm qua. Trang này nhận định tác phẩm hay hơn nhiều so với phim Hollywood, tạo cho người xem cảm giác lo sợ trước sự xuất hiện của quái vật. “Câu chuyện của Yamazaki đan xen các ý tưởng về danh dự và sự sống còn, không nhân vật nào trong phim nhỏ bé hay tầm thường. Minus One có những ý tưởng táo bạo, là điều Monsterverse còn thiếu. Chưa kể dự án thực hiện mọi công đoạn với chi phí thấp”, GQ viết.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/godzilla-minus-one-712