Mới đây, tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận 2 trường hợp trong cùng gia đình tử vong nghi do viêm màng não mô cầu. Được biết, trước khi tử vong, bé gái 22 tháng tuổi xuất hiện sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng liên tục, kèm theo nổi ban xuất huyết vùng gối và mặt sau lan ra toàn thân, lơ mơ, ăn uống kém. Sau 3 ngày, bà nội của bé cũng mất với dấu hiệu sốt cao, đi ngoài phân lỏng kèm theo nổi ban xuất huyết.
Sau đó, anh Đ.V.D (bố của bé gái 22 tháng tuổi) và con trai (11 tuổi) cũng xuất hiện biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn sau ăn, không đại tiện phân lỏng. Ngày 11.6, hai cha con anh Đ.V.D được chẩn đoán viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh viêm màng não mô cầu là một bệnh nhiễm trùng và lây truyền qua đường hô hấp. Cách lây truyền của bệnh viêm màng não vô cầu rất gần với cách lây của Covid-19, bệnh cúm. Tuy nhiên, bệnh viêm màng não mô cầu khác với những bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.
“Các bệnh nhân có bệnh lý về đường hô hấp chủ yếu gặp phải tình trạng suy hô hấp, nhưng những bệnh nhân bị mắc bệnh viêm màng não mô cầu chủ yếu gặp tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và viêm màng não mủ nên tỉ lệ tử vong của bệnh viêm màng não mô cầu rất cao” – TS.BS Vũ Quốc Đạt – Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phân tích.
Vi khuẩn não mô cầu thường khu trú ở vùng hầu họng của người bình thường. Khi bị viêm họng hoặc nhiễm trùng cổ họng, suy giảm miễn dịch, vi khuẩn sẽ xâm nhập niêm mạc và gây bệnh.
Đối tượng trẻ em dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu cao nhất so với các nhóm tuổi khác do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Ngoài ra, những người có bệnh lý về đường hô hấp, bệnh lý nền nguy cơ nhiễm bệnh cũng cao hơn.
Về triệu chứng bệnh, trước giai đoạn toàn phát, biểu hiện của viêm màng não mô cầu rất giống với triệu chứng của bệnh cảm lạnh và những triệu chứng của bệnh hô hấp khác như: sốt, đau họng, buồn nôn, chán ăn… Sau đó, bệnh có thể tiến triển thành một dạng nhiễm trùng nặng, sốc nhiễm khuẩn với những triệu chứng điển hình nhất là xuất hiện các ban xuất huyết, hoại tử…
Về nguyên nhân căn bệnh này được nhận định rất nguy hiểm, theo TS.BS Vũ Quốc Đạt – có rất nhiều yếu tố. Đầu tiên, đây là tình trạng bệnh lý nặng và dễ lây lan. Tỉ lệ bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng máu, viêm màng não là rất cao. Ngoài ra, những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm não mô cầu có thể xuất hiện phát ban ở da, nếu để lâu, giấu bệnh có thể khiến bệnh bùng phát lây lan.
Theo Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hiện nay, bệnh viêm màng não mô cầu đã có vaccine phòng bệnh và nếu được phát hiện bệnh kịp thời thì có thể điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân khi xuất hiện các triệu chứng về đường hô hấp và chưa xác định được căn nguyên bệnh, cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não mô cầu, khoảng 50% bệnh nhân mắc não mô cầu sẽ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.