Tái chế vỏ hộp giấy ngay tại miền Bắc
Với sự chung tay hợp tác từ ba đơn vị: Tetra Pak – nhà cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển, Công ty Cổ phần Công nghệ Giấy Biopa (Biopa) và Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm (Vạn Điểm), mô hình thu gom và tái chế vỏ hộp giấy sẽ được mở rộng tại miền Bắc.
Theo đó, vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng sau khi được thu gom tại khu vực phía Bắc sẽ không cần phải vận chuyển vào miền Nam để tái chế như trước kia nữa. Thay vào đó, việc tái chế sẽ được thực hiện ngay tại miền Bắc.
Chia sẻ về động lực thúc đẩy Công ty liên tục thúc đẩy việc thu gom và tái chế vỏ hộp giấy, ông Eliseo Barcas, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam cho biết: “Hộp giấy Tetra Pak giúp mang đến nguồn thực phẩm dinh dưỡng, an toàn cho hàng triệu người tiêu dùng, nhưng điều đó cũng đặt ra trách nhiệm cho chúng tôi và các nhà sản xuất là làm sao toàn bộ hộp giấy đã qua sử dụng sẽ được thu gom và tái chế nhằm tiết kiệm tài nguyên và giữ cho môi trường sạch đẹp.”
Có thể nói, sự hợp tác này đánh dấu cột mốc quan trọng đối với Tetra Pak, khi công ty nỗ lực mở rộng quan hệ đối tác với các đơn vị tái chế để phát triển hạ tầng thu gom và tái chế vỏ hộp giấy ở khu vực phía Bắc. Đồng thời, việc mở rộng này cũng hỗ trợ tốt hơn cho ngành sản xuất đồ uống và thực phẩm trong việc thực hiện mục tiêu về bền vững.
Sức mạnh từ sự chung tay
“Để thực hiện việc thu gom và tái chế ở quy mô lớn, rộng khắp đòi hỏi sự tham gia sâu rộng của tất cả các bên liên quan như các nhà sản xuất, đơn vị thu gom, nhà tái chế, người tiêu dùng và các cơ quản quản lý, v.v. Đó là lý do Tetra Pak liên tục tìm kiếm các đối tác mới cùng nâng cao nhận thức và thiết lập cơ sở hạ tầng thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại Việt Nam”, ông Eliseo cho biết thêm.
Theo ông Eliseo, Tetra Pak liên tục tìm kiếm các đối tác mới cùng nâng cao nhận thức và thiết lập cơ sở hạ tầng thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại Việt Nam.
Cũng theo thỏa thuận hợp tác giữa ba bên, Vạn Điểm sẽ là đơn vị tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng, còn Biopa là đơn vị tổ chức và quản lý thu mua vỏ hộp giấy tại khu vực phía Bắc. Dự kiến, trong năm 2023, Biopa và Vạn Điểm sẽ thực hiện thu gom và tái chế khoảng 800 tấn vỏ hộp giấy và tăng dần lên mốc 3.000 tấn /năm từ năm 2025.
Theo chia sẻ của ông Lê Mạnh Anh, Phó Tổng giám đốc, Vạn Điểm, vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng được thu gom trong chương trình có thể tái chế thành nhiều vật dụng hữu ích như sổ tay, tầm lợp sinh thái… “Hợp tác với Tetra Pak và Biopa sẽ cho phép chúng tôi đảm bảo nguồn cung vỏ hộp giấy được duy trì ổn định và có hiệu quả,” ông Anh nhấn mạnh.
Vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng có thể tái chế thành nhiều vật dụng hữu ích như sổ tay, tầm lợp sinh thái.
Biopa cũng sẽ xây dựng và duy trì hoạt động thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại các tỉnh, thành phía Bắc thông qua mạng lưới hiện có của mình cũng như không ngừng mở rộng các điểm thu gom mới tại các khu công nghiệp, chung cư và các khu vực trọng điểm khác. “Thông qua thoả thuận hợp tác ba bên này, chúng tôi kỳ vọng giúp người dân dễ dàng tiếp cận các điểm thu gom vỏ hộp giấy hơn, từ đó nâng cao tỷ lệ tái chế vỏ hộp giấy tại Việt Nam,” ông Phan Công Bằng, Giám đốc Biopa chia sẻ.
Được biết, không chỉ hợp tác với nhà thu gom và tái chế, Tetra Pak còn phối hợp với các nhà bán lẻ, các đối tác để không ngừng mở rộng mạng lưới thu gom vỏ hộp giấy trong cộng đồng. Công ty đang hợp tác với các nhà bán lẻ AEON Mall và Mega Market để đặt các trạm thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành với mục đích giúp người tiêu dùng tiếp cận việc thu gom và tái chế thuận tiện hơn.