Thậm chí, ngôi sao sáng trước đại dịch của thị trường xa xỉ là Trung Quốc cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc. Mặc dù Trung Quốc vẫn dẫn đầu về số lượng cửa hàng xa xỉ mới, chiếm tỷ lệ 41% trên toàn cầu, nhưng tốc độ mở rộng đã giảm 12% trong năm 2023.
Thực tế, thị trường Trung Quốc đang vào giai đoạn bão hoà sau thời gian bùng nổ năm 2021 – 2022. Theo báo cáo Triển vọng Bán lẻ xa xỉ toàn cầu năm 2024 được công bố bởi Savills, nguyên nhân được cho là do sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng nội địa khiến các thương hiệu xa xỉ lo ngại về tiềm năng sinh lời tại thị trường này, dẫn đến giảm hứng thú mở thêm cửa hàng mới tại thị trường tỷ dân.
Trái lại, một số khu vực tích cực ghi nhận sự tăng trưởng số lượng cửa hàng xa xỉ, bao gồm Bắc Mỹ và khu vực châu Á – Thái Bình Dương – ngoại trừ Trung Quốc. Các nước khác thuộc khu vực, nổi bật là Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam cũng đang ghi nhận sự gia tăng số lượng cửa hàng của các thương hiệu xa xỉ.
Theo nghiên cứu kể trên, khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện chiếm 17% thị phần toàn cầu về lĩnh vực bán lẻ xa xỉ trong năm 2023. Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhấn mạnh động lực chính tạo ra mối quan tâm tích cực của các thương hiệu xa xỉ với thị trường khu vực là tốc độ phục hồi của ngành du lịch.
Ví dụ, tại Nhật Bản, tập đoàn LVMH đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu 32% trong quý 1/2024 nhờ lượng khách du lịch tăng cùng tỷ giá hối đoái hấp dẫn. Trong bối cảnh đồng Yên Nhật đang yếu hơn so với các đồng tiền khác như Đô la Mỹ hay Euro, nên hàng xa xỉ nhập khẩu của Nhật Bản có mức giá tốt hơn cho khách du lịch nước ngoài, kích thích nhu cầu mua sắm nhiều hơn.
Đồng thời, các thương hiệu thời trang xa xỉ cũng mở rộng chọn lọc vào Việt Nam. Theo báo cáo quý 4/2023 của Savills, giá trị thị trường bán lẻ cao cấp được dự báo tăng trưởng ở mức 3,2% đến năm 2028, và thời trang là phân khúc lớn nhất với giá trị thị trường dự kiến đạt 298,6 triệu USD vào năm 2024. Trong đó, trung tâm bán lẻ có diện tích cho thuê thêm lớn nhất. Xu hướng này vẫn duy trì đến quý 1/2024.
Các thương hiệu xa xỉ luôn muốn tiếp cận nơi khách hàng sinh sống, vui chơi. Đơn cử, Tp.HCM 5 tháng đầu năm chào đón lần lượt các “trùm” xa xỉ như Cartier, Vertu, Longines… mở rộng cửa hàng.
Mới nhất, Vertu Việt Nam vừa khai trương Flagship store tại vị trí đắt đỏ bậc nhất Tp.HCM. Theo Vertu, dau gần 2 năm phục vụ khách hàng Tp.HCM và các tỉnh thành tại cửa hàng 79 Đồng Khởi (quận 1, Tp.HCM), Vertu Việt Nam nhận thấy nhu cầu khách hàng tăng nhanh chóng từ đầu năm 2024, đối tượng khách hàng cũng mở rộng đáng kể. Thông qua đại lý độc quyền là Di động Việt, Vertu cũng công bố thu về đến 300 triệu USD doanh số tại Việt Nam sau 2 năm có mặt. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, mua sắm của khách hàng, Vertu Việt Nam quyết định chọn Caravelle Saigon Hotel là địa điểm đặt Flagship Store thứ ba.
Ngoài ra, các khu vực tập trung các điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp – nơi thu hút đối tượng khách hàng tiềm năng – cũng là điểm đến của các thương hiệu xa xỉ.
Theo Savills thống kê, dù là du lịch mùa đông hay nghỉ dưỡng trên biển ngày hè, việc được tiếp cận với nhiều lựa chọn mua sắm vẫn là ưu tiên hàng đầu của du khách. Số lượng mở cửa hàng xa xỉ tại các thị trường resort nghỉ dưỡng đã tăng gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2023, gần gấp bốn lần tỷ lệ trung bình toàn cầu trước đại dịch.
Các thương hiệu thời trang cao cấp Alexander McQueen, Balenciaga, Burberry, Bvlgari và Zimmerman đang nối bước các ông lớn trong ngành như LVMH, Richemont và Armani, bằng cách chọn đặt cửa hàng tại các điểm resort nghỉ dưỡng để tiếp cận gần hơn với khách hàng mục tiêu của họ.
Nhìn chung, xu hướng toàn cầu này dự kiến cũng mang lại cơ hội tiềm năng cho các khu du resort nghỉ dưỡng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn tin: https://cafef.vn/viet-nam-thanh-diem-den-moi-cua-cac-thuong-hieu-xa-xi-188240611112048727.chn