CTCP VNG đang muốn huy động 100 triệu USD, theo 2 nguồn tin của Reuters . Công ty đang làm việc với Maybank để tiến hành huy động vốn. VNG đang tiếp cận các quỹ đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư doanh nghiệp cho vòng gọi vốn mới nhất này. Vốn huy động được cho mục đích mở rộng.
Các nhà đầu tư nước ngoài nổi tiếng tại VNG trước đó gồm có GIC, Temasek và Tencent.
Sau vòng gọi vốn, kế hoạch của VNG là niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore, cả 2 nguồn tin xác nhận. Một nguồn cho biết, thời gian niêm yết có thể diễn ra vào đầu năm sau.
Cả VNG và Maybank đều từ chối bình luận về vấn đề này, Reuters viết.
Cổ phiếu VNG – kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam đang được giao dịch trên thị trường UPCoM (mã chứng khoán VNZ) với thị giá gần 800.000 đồng, tương ứng định giá 29.500 tỷ đồng. Nhưng với thanh khoản thấp, mức định giá này thiếu tính tin cậy.
Doanh thu của VNG đạt 7.800 tỷ đồng năm 2022, tăng trưởng chậm lại so với những năm trước đó. Công ty lỗ sau thuế hơn 1.300 tỷ đồng, phần lỗ của cổ đông công ty mẹ gần 860 tỷ đồng. Nguồn thu chính của VNG vẫn đến từ trò chơi và quảng cáo trực tuyến, chiếm hơn 90%.
VNG muốn trở thành công ty công nghệ toàn cầu, tổng giám đốc Lê Hồng Minh nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào cuối năm ngoái. Công ty đang tìm kiếm thêm doanh thu nước ngoài từ các mảng trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Đây là hai mảng đang có mức tăng trưởng ấn tượng.
Để phục vụ cho kế hoạch mở rộng, năm ngoái, VNG giải ngân đầu tư mạnh mẽ. Đáng chú ý là khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu VNG, Quận 7, TP HCM. Đây là cơ sở cho VNG có thể đẩy mạnh tăng trưởng các nguồn doanh thu mới từ dữ liệu và điện toán đám mây.
Ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, VNG cũng đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng cho mỗi công ty Telio và Funding Societies, 2 công ty công nghệ có phạm vi hoạt động trong khu vực.
Một tác nhân quan trọng khiến VNG thua lỗ trong hai năm gần đây là việc đầu tư vào ví điện tử Zalo Pay, tích hợp trong Zalo. Khoản lỗ của công ty này gia tăng liên tục trong nhiều năm trở lại đây với mục tiêu trở thành ví điện tử “không thể thiếu” trong đời sống người Việt.
VNG cùng với VinFast, Tiki, The CrownX nằm trong danh sách các công ty có khả năng huy động vốn và niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Đến nay, chỉ có VinFast đạt được những bước tiến đáng kể. Mới nhất, nhà sản xuất xe điện Việt Nam công bố đạt thoả thuận sáp nhập với Black Spade, một công ty séc trắng (SPAC) của các ông chủ Hong Kong đang niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Mức định giá của VinFast theo thoả thuận này là 23 tỷ USD, theo công bố từ công ty.