Sau Covid, thành viên gia đình đông con có xu hướng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nhiều hơn; gia đình chưa, hoặc không có con lại giảm tỷ lệ đóng.
Nghiên cứu về Những lao động bị bỏ sót trong hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam và các đề xuất chính sách do nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế quốc dân hoàn thành tháng 4/2024 chỉ ra xu hướng nhà càng nhiều trẻ em tỷ lệ tham gia BHXH càng cao sau đại dịch Covid.
Cụ thể, tỷ lệ gia đình một con không tham gia BHXH giảm từ 12% vào năm 2020 xuống 10% sau năm 2022; gia đình 2 con giảm từ 7,7% xuống 6,9%. Những gia đình chưa hoặc không có trẻ nhỏ lại ít đóng BHXH nhất, với tỷ lệ 31,4% vào năm 2020 và giảm xuống 27,8% vào năm 2022.
Việc Chính phủ tung nhiều gói hỗ trợ cho lao động, trong đó có chính sách cho trẻ em phần nào giúp cha mẹ thấy lợi ích nhiều hơn của BHXH. Xu hướng này gợi ý cho các nhà thiết kế chính sách việc bổ sung khoản trợ cấp cho trẻ để cha mẹ có thể yên tâm gia nhập hệ thống, hạn chế rút BHXH một lần.
Hộ gia đình càng có nhiều người đóng BHXH thì các thành viên còn lại càng dễ tham gia hơn. Nhiều người thông qua phỏng vấn sâu cho biết nắm được chính sách qua gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thay vì các hình thức tuyên truyền. Điều này gợi mở chính sách khuyến khích người trong hộ gia đình thuyết phục thành viên còn lại để tạo động lực và tăng độ tin cậy. Mô hình này thành công có thể mở rộng độ bao phủ theo cấp số nhân thay vì vận động từng người.
Theo nghiên cứu, phụ nữ không tham gia BHXH chiếm tỷ lệ thấp hơn nam giới, khoảng 36% vào năm 2020 và tới 2022 giảm còn gần 31%. Tỷ lệ này ở nam giới đạt 44% vào năm 2020 và giảm còn 39,5% vào năm 2022. Có sự chênh lệch bởi lao động nữ thường gặp nhiều rủi ro về sức khỏe, phải chăm sóc gia đình, con cái. Họ thường lo ngại rủi ro cao và có nhu cầu tham gia BHXH lớn hơn nam.
Tỷ lệ lao động trên 50 tuổi không đóng BHXH cao hơn so với nhóm 15-24. Một phần đến từ rào cản của luật khi điều kiện đóng tối thiểu 20 năm. Nếu lao động ở một độ tuổi nhất định, như 35 tuổi với nữ và 40 tuổi với nam mà vẫn chưa gia nhập hệ thống thì họ ít hoặc không có động lực.
Hợp đồng lao động cũng tác động đến việc gia nhập hệ thống BHXH của người lao động. Năm 2020, khoảng 0,8% lao động ký hợp đồng dưới một năm nhưng không tham gia BHXH, đến 2022 giảm còn 0,5%. Số liệu của cơ quan thống kê nhà nước cũng chỉ ra năm 2021, trong khu vực chính thức vẫn còn gần 21% lao động làm công hưởng lương có hợp đồng, nhưng chưa được đóng BHXH bắt buộc. Đây là khoảng trống pháp luật, bởi theo quy định lao động đã ký hợp đồng ba tháng trở lên buộc phải đóng BHXH. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho lao động hợp đồng ngắn hạn.
Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cơ quan quản lý rà soát chặt chẽ doanh nghiệp nhằm đảm bảo đăng ký tham gia và đóng đủ BHXH cho lao động. Tăng thuế hoặc áp dụng các khoản phạt tài chính đối với những doanh nghiệp vi phạm, nhà nước có thể tạo ra áp lực tài chính mạnh mẽ đối với họ, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.
Chính sách BHXH nên được thiết kế đóng – hưởng phù hợp với từng nhóm lao động theo thu nhập để đảm bảo công bằng, cân đối trong hệ thống. Cơ quan quản lý xem xét linh hoạt mức đóng tối thiểu với lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo. Nhà nước hỗ trợ thêm mức đóng để hỗ trợ lao động thu nhập thấp sớm tham gia và đặt mức lương hưu tối thiểu để họ sớm thoát nghèo lúc tuổi già.
Cả nước hiện có hơn 18,26 triệu người tham gia BHXH, chiếm trên 39% lực lượng lao động trong độ tuổi. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với những thay đổi căn cơ giảm thời gian đóng từ 20 xuống 15 năm, hai phương án rút BHXH một lần, thiết kế thêm tầng hưu trí… dự kiến được Quốc hội thông qua cuối tháng 6, có hiệu lực từ 1/7/2025.
Hồng Chiêu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/gia-dinh-cang-dong-con-tham-gia-bhxh-cang-cao-4756199.html