Vốn giải ngân chậm, lũ triền miên nhấn chìm cầu công vụ cùng vật tư dưới sông Lam, nhưng dự án cầu Bến Thủy II vẫn về đích đúng hạn sau hai năm rưỡi thi công.
Chiều đầu tháng 6, đứng bên đường tránh TP Vinh nhìn những đoàn ôtô, xe máy chạy tấp nập trên cầu Bến Thủy II bắc qua sông Lam nối Nghệ An với Hà Tĩnh, ông Trần Quang Dần, nguyên cán bộ Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) nhớ lại 30 tháng thi công công trình. “Hơn một năm đầu dự án ì ạch do thiếu vốn và ảnh hưởng thiên tai, nhiều người đã nghĩ cầu Bến Thủy II không thể hoàn thành đúng thời hạn theo như cam kết”, ông Dần nói.
Kế hoạch xây cầu Bến Thủy II bắt nguồn từ sự xuống cấp của cầu Bến Thủy (còn gọi là cầu I) cách đó khoảng 800 m về phía hạ lưu sông Lam. Sau 20 năm khai thác, công trình mỗi ngày gánh hàng nghìn lượt xe nên hư hỏng nghiêm trọng, phải sửa chữa nhiều đợt. Cuối năm 2009, cầu rung lắc mạnh, được dự báo “khó gượng tiếp”. Bộ Giao thông Vận tải đã lên kế hoạch nhờ quân đội chuẩn bị cầu phao ứng cứu, rất may sau đó sự cố được khắc phục.
Nhận thấy cầu Bến Thủy I không thể đáp ứng năng lực vận tải hiện tại và tương lai, Bộ Giao thông Vận tải cử cán bộ gấp rút lên kế hoạch xây cầu “trợ thủ”, và bản vẽ Bến Thủy II được hình thành sau vài tháng. Nhà chức trách kỳ vọng dự án mới giúp giảm bớt lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua cầu cũ, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đường bộ quốc gia.
Cầu Bến Thủy II nối xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, dài 996 m (tính cả đường dẫn hai đầu là hơn 3.600 m), rộng 25 m với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vận tốc khoảng 80 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.260 tỷ đồng trích từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Công trình thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép và bêtông dự ứng lực, thi công bằng công nghệ đúc hẫng và khoan cọc nhồi, loại hiện đại nhất bấy giờ.
Ông Trần Quang Dần cho biết lúc ký hợp đồng, các nhà thầu tự tin hoàn thành dự án trong 30 tháng, một số đơn vị còn nói nếu suôn sẻ xong sớm trước 2-3 tháng. Tuy nhiên, tháng 3/2010 khởi công cầu cũng là lúc Việt Nam bị tác động bởi suy thoái kinh tế, Nhà nước cắt giảm đầu tư công nên công trình bị chậm vốn. Từ phấn khởi, nhiều chủ thầu “khóc ròng” vì không có tiền mua vật tư.
“Có giai đoạn chủ đầu tư nợ nhà thầu gần 400 tỷ đồng. Các chủ thầu khi đến công trường mặt rũ rượi, luôn hỏi tôi khi nào có tiền”, ông Dần kể. Thiếu vốn, nửa năm đầu đơn vị thi công phải cho công nhân làm các hạng mục phụ và đường dẫn hai đầu cầu. Các cột trụ dưới sông Lam chưa thể thực hiện, bởi hạng mục này phải bỏ số tiền lớn để mua vật tư lẫn thuê máy móc.
Một năm đầu tiến độ của dự án chỉ đạt khoảng 50% so với kế hoạch. Ông Dần cùng kỹ sư lo lắng, ngủ không tròn giấc, bởi nếu việc thiếu vốn kéo dài thì chắc chắn Bến Thủy II không thể hoàn thành đúng thời hạn. Giữa năm 2011, vốn được chuyển về cho chủ đầu tư. Nhà thầu cấp tập mua vật liệu, thuê thêm máy móc, huy động tối đa nhân lực làm hết công suất.
Theo ông Dần, bản vẽ ban đầu kiến trúc sư chỉ quan sát phần nổi của dòng sông, không lường trước chướng ngại vật ở dưới đáy. Qua kiểm tra thực tế, kỹ sư phát hiện thiết kế trụ chuyển tiếp T18 nằm đúng vị trí chiếc sà lan chìm hàng chục năm trước. Thiết bị này bị lớp bùn lắng dày 10 m vùi lấp nên không thể trục vớt. Chủ đầu tư phải báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, mất 4 tháng khoan khảo sát lại mới điều chỉnh được vị trí trụ T18.
Đáy sông Lam địa chất phức tạp, bùn đất xen lẫn đá cứng. Làm một cột trụ cao 60 m, kỹ sư và công nhân phải tạo bệ móng trụ đường kính rộng hơn 20 m dưới đáy sông. Tuy nhiên, khi dùng máy khoan xuống để đổ bêtông toàn va trúng đá khiến khối lượng công việc bị chậm lại. Khó nhất là trụ chính T16 ở giữa sông, vị trí này nước chảy xiết, nguy hiểm chực chờ. Các nhà thầu phải mất 6 tháng để hoàn thành, trong khi dự kiến ban đầu làm trong 3 tháng.
Ông Phan Đức Thế, nguyên Phó giám đốc Công ty cổ phần 473, lúc đó giữ chức đội trưởng thi công cầu Bến Thủy II, cho hay thời tiết thất thường cũng là thách thức lớn đối với những người thợ cầu đường. Tháng 10/2020, khi một số hạng mục dần thành hình thì xảy ra mưa lũ lịch sử. Dòng nước đục ngầu cuốn trôi cầu công vụ, đường đầu cầu bị sạt lở, vật tư bị nhấn chìm dưới sông Lam.
“Chúng tôi thấp thỏm, nằm ngủ cũng lo. Tháng 6/2011, ban ngày trời nắng 40 độ C, đêm về lũ tiểu mãn từ thượng nguồn đổ về ập vào lán trại gần công trường. Mọi người hốt hoảng gom đồ đạc chạy lũ trong đêm”, ông Thế kể.
Những khi không bão lũ thì mưa lớn kéo dài. Cuối năm 2011 là lúc cao điểm để đạt tiến độ đề ra, nhưng trời mưa tầm tã suốt 4 tháng. Để khối lượng không bị chậm, những lúc tạnh mưa kỹ sư cùng công nhân lại tranh thủ vận hành máy móc, thiết bị làm cuốn chiếu.
Gặp nhiều khó khăn, song nhờ sự nỗ lực của chủ đầu tư và nhà thầu, cầu Bến Thủy II về đích đúng hạn. Công trình hợp long tháng 6/2012, khánh thành tháng 9 cùng năm. Nhà chức trách sau đó khởi công làm dự án tuyến tránh TP Hà Tĩnh kết nối với cầu Bến Thủy II để giúp giảm lưu lượng phương tiện cho quốc lộ 1 đang quá tải, giảm thiểu ngập úng và ùn tắc kéo dài vào mùa mưa lũ.
Hai cầu cùng tên Bến Thủy gắn kết tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trên mọi lĩnh vực. Nhưng ngành giao thông cho rằng để khai phá hết tiềm năng vận tải hai bên bờ sông Lam, giúp phát triển kinh tế vùng thì hai công trình là chưa đủ, cần xây thêm. Năm 2016-2024, ba cây cầu khác lần lượt được khánh thành.
Bài tiếp: Những cây cầu bắc qua sông Lam
Nguồn tin: https://vnexpress.net/the-kho-khi-xay-cau-giam-tai-cho-ben-thuy-4755296.html