Bộ Tài chính Mỹ ngày 15/5 một lần nữa tuyên bố có thể chỉ thanh toán được tất cả các hoá đơn của Chính phủ Mỹ đến hết ngày 1/6 nếu trần nợ không được nâng lên. Lời cảnh báo này của Bộ Tài chính làm gia tăng áp lực đối với phe Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng phải nhanh đóng đạt một thoả thuận tăng trần nợ trong 2 tuần tới.
Theo tin từ Reuters, trong lá thư thứ hai gửi lên Quốc hội Mỹ trong vòng 2 tuần trở lại đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen xác nhận rằng đến đầu tháng 6, cơ quan này có thể sẽ không còn khả năng trang trải tất cả các nghĩa vụ thanh toán của Chính phủ. Điều này có nghĩa là Washington sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Bà Yellen cho rằng để tránh vỡ nợ, trần nợ bắt buộc phải được nâng trước khi qua ngày 1/6.
Thời hạn trên phản ánh những dữ liệu mới về thu chi ngân sách kể từ khi bà Yellen nói với Quốc hội vào hôm 1/5 rằng Bộ Tài chính sẽ hết tiền để trang trải các hoá đơn của Chính phủ vào đầu tháng 6, có thể ngay từ ngày 1/6. Cảnh báo mới được đưa ra chỉ một ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến có cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện, nghị sỹ Cộng hoà Kevin McCarthy, tại Nhà Trắng vào ngày thứ Ba để thảo luận về trần nợ.
Sau đó, ông Biden sẽ lên đường tới Nhật Bản vào ngày thứ Tư để dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), rồi tiếp tục tới Australia. Các chuyến đi này của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ kéo dài tổng cộng khoảng 1 tuần. Ngày thứ Hai, ông McCarthy nói rằng các cuộc thảo luận gấp rút ở cấp nhân viên trong hai ngày cuối tuần vừa rồi không mang lại bước tiến nào.
Ngày thực tế mà Bộ Tài chính hết cách chi trả có thể đến vài ngày hoặc vài tuần sau mốc dự báo nói trên – bà Yellen nói trong lá thư, và đây là một sự thay đổi so với bức thư hôm 1/5 nói “vài tuần sau”. Bà cũng cho biết sẽ tiếp tục cập nhật tình hình với Quốc hội vào tuần tới, khi có thêm thông tin và dữ liệu.
Gần đây, bà Yellen liên tục cảnh báo rằng nếu Quốc hội Mỹ không nâng được trần nợ liên bang từ mức 31,4 nghìn tỷ USD hiện nay, hệ quả sẽ là một cuộc “khủng hoảng hiến pháp” và “thảm hoạ kinh tế-tài chính” đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Tuần trước, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), một cơ quan không thuộc chính đảng nào, nói rằng Mỹ đối mặt với “nguy cơ lớn” rơi vào cảnh vỡ nợ chỉ trong vòng 2 tuần đầu tiên của tháng 6 nếu trần nợ không được nâng. Một số nhà phân tích, bao gồm cả CBO, cho rằng Bộ Tài chính Mỹ có thể cầm cự được đến tận tháng 8 mà không vỡ nợ nếu duy trì việc trả nợ được đến ngày 15/6 – thời điểm có một đợt thu thuế – và tiếp đó là đến ngày 30/6, mốc thời gian mà cơ quan này có thể sử dụng các biện pháp vay nợ mới.
Trong lá thư ngày 15/5, bà Yellen hối thúc các bên hành động sớm nhất có thể. “Chúng ta đều đã học được bài học quá khứ rằng việc giữ thế bế tắc về trần nợ cho tới phút chót mới đình chỉ hoặc tăng trần nợ có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm tăng lãi suất cho vay đối với người nộp thuế trong ngắn hạn, và tác động bất lợi đến định hạng tín nhiệm của Mỹ”, bà Yellen nói.
“Nếu Quốc hội không nâng được trần nợ kịp thời, các gia đình Mỹ sẽ khổ sở, vị trí lãnh đạo toàn cầu của chúng ta sẽ suy giảm, và sẽ xuất hiện những câu hỏi về khả năng của chúng ta trong việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia”, người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo.