Tháng 4/2016, thị trường bán lẻ Việt Nam rộn ràng với tin tập đoàn Central Retail của Thái Lan chính thức hoàn tất thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) Big C Việt Nam từ tay tập đoàn Casino (Pháp) trong thương vụ trị giá gần 1 tỷ USD. Trải qua 8 năm dưới bàn tay “nhào nặn” của tập đoàn có hơn 74 năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ, Big C đã ngày càng được cải tiến lớn mạnh và trở thành một phần quan trọng trong hệ sinh thái Central Retail tại Việt Nam với hơn 300 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại trải dài khắp 40 tỉnh thành trên cả nước tính đến tháng 3/2023, với tổng diện tích bán lẻ lên đến hơn 1.000.000 mét vuông, tạo công ăn việc làm cho khoảng 15.000 người lao động.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, Central Retail Việt Nam ấp ủ một sự thay đổi lớn khi ra mắt thương hiệu GO! Mall vào năm 2018.
Từ cái tên Big C đã quá gắn bó với người Việt suốt 24 năm nay, tập đoàn đến từ Thái Lan muốn mang một làn gió mới vào hệ thống sẵn có với các mô hình mới không chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng mà còn là nơi để vui chơi, giải trí, thư giãn, tận hưởng thời gian vui vẻ bên gia đình và bạn bè.
Với hơn 25 năm kinh nghiệm hoạt động trong mảng bán lẻ và bất động sản thương mại, ông Christian Olofsson – Giám đốc điều hành Khối Phát triển bất động sản, Central Retail Việt Nam, đã chia sẻ câu chuyện đầy thú vị về cuộc đại chuyển đổi này.
6 năm trước, Central Retail thực hiện một thương vụ rúng động khi mua lại hệ thống siêu thị Big C. Gần đây hơn, tập đoàn tiếp tục thông báo đầu tư thêm 1,45 tỷ USD vào Việt Nam cho kế hoạch mở rộng trong 5 năm 2023-2028. Ông đánh giá như thế nào về sức hút và tiềm năng của thị trường Việt Nam?
Chúng tôi thực sự rất lạc quan về thị trường Việt Nam. Quyết định mua lại hệ thống siêu thị Big C của Central Retail là bước đi đầu tiên của Tập đoàn để chính thức bước chân vào thị trường đầy tiềm năng này. Đến nay, chúng tôi đã trở thành một trong những tập đoàn có sự hiện diện lớn tại Việt Nam, đặc biệt là hệ thống Trung tâm Thương mại/Bất động sản lớn cùng thị phần hàng đầu trong mảng Thực phẩm.
Và mức đầu tư 1,45 tỷ USD vừa được công bố nhằm mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam chính là minh chứng rõ ràng nhất về cách Central Retail Corporation (CRC) nhìn nhận về tiềm năng của Việt Nam.
Việt Nam cũng sở hữu nền tảng chính sách cởi mở và ổn định; tỷ lệ dân số trẻ có mức thu nhập và tài sản cá nhân ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với nhu cầu chi tiêu cho quần áo, nhà cửa, phương tiện đi lại, v.v. Cá nhân tôi đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn và sôi động nhất ở Đông Nam Á.
So với các quốc gia trong khu vực, tiềm năng phát triển về thị trường bán lẻ của Việt Nam đang ở mức nào thưa ông?
Theo quan sát của tôi, các nhà bán lẻ hoạt động tại Việt Nam vẫn chưa nhiều, trong khi sức mua, khả năng chi tiêu của người dân ngày càng tăng trưởng mạnh. Họ luôn có nhu cầu tìm kiếm những sản phẩm mới để mua sắm, chi tiêu và nhiều điểm đến để trải nghiệm.
Đặc biệt, tại các tỉnh thành và khu vực ngoại ô, tiềm năng phát triển là rất lớn do mật độ dân số cao nhưng đôi khi người dân đia phương, đặc biệt là các bạn trẻ không biết nên đi đâu, làm gì khi có nhu cầu mua sắm, giáo dục hay giải trí.
Nhìn thấy những dư địa tiềm năng đó, chúng tôi càng có lý do để mở rộng thêm danh mục đầu tư và kiên định mới mục tiêu trong 5 năm tới, theo đó, GO! sẽ có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành của Việt Nam nhằm mang đến những trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho người Việt
Nhiều năm làm việc tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ lẫn châu Á, ông sẽ vận dụng những kinh nghiệm của mình như thế nào để có thể tạo ra những thay đổi tại thị trường trong nước?
Tôi và nhiều đồng nghiệp may mắn được làm việc tại rất nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước đang phát triển và được chứng kiến không ít xu hướng tiêu dùng tại các thị trường này.
Khi thu nhập của người Việt Nam dần được cải thiện, chúng tôi bắt đầu quan sát thấy ngành bán lẻ tại đây cũng từng bước vươn mình theo lộ trình đó, thậm chí mọi thứ diễn biến nhanh và tốt hơn. Vì thế, lợi thế của chúng tôi là biết trước điều gì xảy ra khi người dân thoải mái hơn trong việc chi tiêu.
Cũng nhờ những kinh nghiệm đã được tích lũy, tôi và đội ngũ có thể dự đoán thói quen tiêu dùng của người Việt trong 1 năm, 10 năm tới hay thậm chí là tuần tới để có thể có những thay đổi phù hợp từ sản phẩm đến nâng tầm các trải nghiệm tại Trung tâm Thương mại của mình.
Một ví dụ cụ thể, có rất nhiều thương hiệu, dịch vụ, trải nghiệm không thể được tìm thấy tại các khu vực ngoại ô trong khi người Việt luôn cởi mở với việc tận hưởng những điều mới mẻ. Và điều chúng tôi nỗ lực thực hiện chính là mang những ý tưởng từ các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và thậm chí những concept (mô hình) từ nước ngoài đến các tỉnh thành này để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.
GO! Mall chính thức ra mắt năm 2018 tại Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang thay vì tiếp tục với Big C – một thương hiệu đã quá quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Lý do đằng sau sự thay đổi này là gì?
Bạn nói đúng. Big C là 1 cái tên rất mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá thương hiệu này gần như chỉ gắn liền với mảng Đại siêu thị. Trong khi đó, chúng tôi muốn phát triển thứ lớn hơn thế rất nhiều và phù hợp hơn với ý tưởng về một Trung tâm Thương mại hoàn toàn mới.
Chúng tôi đã dành ra gần 2 năm qua để phát triển mô hình mới và rất hài lòng với thương hiệu GO!. Đây là thương hiệu không chỉ mạnh về mặt hình ảnh với logo màu đỏ trắng nổi bật mà còn là một từ rất dễ nhớ, dễ sử dụng, mang lại sắc thái tích cực.
Tất nhiên, từ Big C thành GO! không chỉ đơn thuần là thay đổi logo hay màu sắc nhận diện bên ngoài. Chúng tôi còn cải tiến rất nhiều từ bên trong như nâng cấp hệ thống ánh sáng, tăng số lượng khu vực F&B, hướng đến các khách thuê cung cấp đến dịch vụ hiện đại được “may đo” cho nhiều đối tượng khách hàng. Và dĩ nhiên, chúng tôi dành nhiều tâm huyết dành cho các dự án phát triển bền vững như lắp đặt hệ thống mái năng lượng mặt trời, các trạm trạc xe điện… Cả với các khách thuê, họ cũng phải tuân thủ các quy định về việc sử dụng điện, nước nhằm đảm bảo mỗi Trung tâm thương mại là một hệ sinh thái thân thiện với môi trường.
Vượt qua sức ảnh hưởng của một thương hiệu quá gần gũi với người tiêu dùng là điều không hề dễ dàng. Ông và cộng sự đã và đang làm gì để có thể đạt được mục tiêu đó?
Như đề cập ở trên, tham vọng của chúng tôi nhiều hơn rất nhiều việc chỉ tập trung phát triển ở mảng Đại siêu thị. Thực tế, chúng tôi mong muốn tạo ra một điểm đến mà khách hàng ngoài việc mua thực phẩm, hàng tiêu dùng còn có thể tận hưởng rất nhiều dịch vụ như Vui chơi, Ăn uống, Mua sắm, Học tập… cùng gia đình, bạn bè.
Điểm mạnh của GO! là lượng khách thuê đa dạng đến từ thương hiệu quốc tế nổi tiếng theo hình thức chuỗi bên cạnh các thương hiệu tại địa phương. Chúng tôi đồng thời đưa ra rất nhiều chính sách cũng như chương trình làm việc chặt chẽ với cộng đồng tại các địa phương, triển khai các chiến dịch quảng bá mạnh mẽ để thương hiệu GO! trở thành một phần trong đời sống hàng ngày của mọi người, giúp không chỉ các doanh nghiệp nhỏ có thêm các cơ hội mở rộng hình thái kinh doanh mà còn bổ sung thêm những danh mục sản phẩm địa phương, gần với lối sống của người dân nhất, giúp họ có những trải nghiệm mua sắm hoàn chỉnh bên bạn bè, gia đình.
Trải nghiệm mua sắm hoàn chỉnh ở GO! mà ông vừa đề cập có gì khác so với các hình thức đang tồn tại trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là về giá bán khi đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng?
Chúng tôi định vị đối tượng khách hàng của mình là những người có thu nhập trung bình – khá. Do đó, giá cả luôn là yếu tố quan trọng.
Đối với mảng Thực phẩm, chúng tôi có chuỗi Đại siêu thị GO!, Big C và Siêu thị Tops Market, mini go! luôn được biết đến với giá trị cốt lõi “Giá luôn luôn rẻ”. Tương tự, các khách thuê cũng có quan điểm tương đồng.
Sâu trong thâm tâm, chúng tôi vẫn là một nhà bán lẻ với tầm nhìn là nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam, giúp cho cuộc sống của khách hàng tốt đẹp hơn, dễ dàng hơn cách mang đến những những sản phẩm, trải nghiệm tốt, đồng thời mức giá cũng phải tốt nhất.
Central Retail được nhìn nhận là ông lớn trong mảng bán lẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, mảng bất động sản cũng rất được đầu tư và đẩy mạnh. Chiến lược này mang ý nghĩa gì đối tới tập đoàn?
Central Retail tại Việt Nam thuộc Central Group – vốn là một tập đoàn rất mạnh về bất động sản bên cạnh mảng bán lẻ. Chúng tôi có nhiều bất động sản bán lẻ như Trung tâm Tthương mại, Cửa hàng bách hóa lớn, Khách sạn và Khu dân cư riêng biệt không chỉ ở Thái Lan mà còn cả ở các quốc gia châu Âu.
Tại Việt Nam, Central Retail được biết đến nhiều nhất với lĩnh vực bán lẻ, nhưng thực tế, chúng tôi hiện là Tập đoàn vận hành bất động sản thương mại lớn thứ 2 Việt Nam nếu tính theo số lượng trung tâm thương mại, và thứ 3 nếu tính theo diện tích (m2).
Từ những kinh nghiệm được đúc kết từ thị trường Thái Lan cũng như trên thế giới, chúng tôi đặt mục tiêu trong 5 năm tới, Central Retail Việt Nam sẽ trở thành Tập đoàn dẫn đầu về thị phần Trung tâm Thương mại.
Ông có thể chia sẻ chiến lược dành riêng cho Mảng kinh doanh bất động sản có thể giúp Central Retail hoàn thành sứ mệnh mang đến các trải nghiệm mua sắm hoàn chỉnh nhất?
Có thể nói, chúng tôi là người “nhào nặn” ra những “đứa con tinh thần” (các trung tâm Thương mại) theo một vòng đời hoàn chỉnh nhất: Từ việc phát triển ý tưởng, đến xây dựng, tìm khách thuê, vận hành và quản lý. Đó là một chuỗi chu kỳ đầy đủ tuyệt đối khi nói về một dự án.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn có một thế mạnh độc nhất khi Central Retail là một Tập đoàn bán lẻ. Do đó, về bản chất, khi xây dựng một Trung tâm Thương mại, đồng nghĩa với chúng tôi xây dựng cơ sở vật chất cho các Đại siêu thị, Siêu thị, các thương hiệu khác của Tập đoàn và cả các đối tác đến thuê mặt bằng.
Central Retail đồng thời hợp tác chặt chẽ với các khách thuê, các thương hiệu bên ngoài để tạo ra một hệ sinh thái hoàn hảo nhằm phục vụ mọi nhu cầu từ căn bản đến nâng cao của khách hàng một cách tốt nhất.
Thái Lan là một quốc gia có thị trường bán lẻ rất phát triển. Theo ông, Việt Nam có khả năng làm được điều như họ?
Dĩ nhiên rồi, Việt Nam có một nền tảng phát triển đầy hứa hẹn, với tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, dân số trẻ, cùng sự gia tăng về mặt thu nhập khiến nhu cầu của người tiêu dùng đối với những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao ngày càng tăng. Thực tế cho thấy có nhiều điều Việt Nam có thể thực hiện nhanh hơn và tốt hơn so với các quốc gia khác nếu có đủ thời gian, chính vì vậy chúng tôi đang đầu tư vào Việt Nam với một cách tiếp cận dài hạn, không chỉ về mặt chiến lược kinh doanh mà còn đầu tư về con người, đặc biệt là cam kết đầu tư cho sự thịnh vượng chung của đất nước Việt Nam.
Và thậm chí sẽ đạt đến chuẩn quốc tế?
Trước mắt, nhiệm vụ lớn nhất của chúng tôi là mở rộng, phát triển mảng bán lẻ ở Việt Nam. Hiện ở nhiều thành phố, đặc biệt là các tỉnh vẫn chưa có nhiều nhà bán lẻ, chưa xuất hiện các thương hiệu quốc tế hay chưa có những chuỗi café, nhà hàng. Kể cả một số thương hiệu trong nước cũng chưa có độ phủ lớn, ví dụ chỉ tập trung phát triển ở miền Bắc hoặc miền Nam.
Vì thế, mục tiêu của chúng tôi là giúp họ phát triển trước tiên là ở thị trường nội địa, sau đó là có thể trở thành những người tiên phong phát triển cả ở thị trường nước ngoài. Trước mắt là những nước láng giềng như Thái Lan nhưng sau này sẽ xa hơn nữa. Tôi hy vọng vài năm nữa sẽ có thương hiệu nào đó của Việt Nam thành công ở nước ngoài.
Có những yếu tố có thể áp dụng từ thị trường này sang thị trường khác, nhưng theo tôi điều quan trọng nhất vẫn là cố gắng lắng nghe nhu cầu của khách hàng, làm việc kỹ lưỡng với đối tác.
Mục tiêu của ông trong tương lai là gì?
Mục tiêu lớn của chúng tôi chính là mở rộng và nhân đôi sự hiện diện của thương hiệu GO! ở Việt Nam cũng như tăng gấp ba lần doanh số. Hiện 39 Trung tâm Thương mại của Central Retail có mặt trên 40 trong tổ số 63 tỉnh thành, nên tiềm năng phát triển vẫn còn rất rộng lớn. Đó thật sự là một kế hoạch phát triển đầy tham vọng.
Chúng tôi sẽ xây thêm nhiều Đại siêu thị, Siêu thị, Trung tâm Thương mại hơn nữa, mở rộng nhanh nhất có thể để bắt kịp xu hướng tiêu dùng của người Việt. Ngoài ra, chúng tôi còn có kế hoạch số hóa các dịch vụ của mình thông qua các bán hàng đa kênh, nền tảng khách hàng thân thiết, giao hàng, bên cạnh các phần mềm quản lý nội bộ cũng như khách thuê nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, các Đại siêu thị GO!, Big C, siêu thị Tops Market, cũng như Trung tâm Thương mại GO! hiện có cũng sẽ được đầu tư để nâng cấp và cải tiến.
GO! đang hướng tới những mục tiêu rất tham vọng. Các ông có thuận lợi và khó khăn gì trong hành trình hướng tới các mục tiêu ấy?
Vì là một doanh nghiệp nước ngoài, và là tập đoàn đa quốc gia, chúng tôi có đội ngũ nhân sự đến từ nhiều quốc gia, có kinh nghiệm hoạt động ở nhiều thị trường quốc tế. Chúng tôi cũng sở hữu những thương hiệu của riêng mình và đảm nhận toàn bộ việc vận hành. Và trên hết, chúng tôi có niềm tin mãnh liệt vào thị trường Việt Nam cả ở hiện tại và trong dài hạn.
Chúng tôi cũng có rất nhiều cộng sự có kinh nghiệm tại nhiều quốc gia. Khi mở 1 trung tâm thương mại, chúng tôi phải làm việc với rất nhiều bên, từ chính phủ đến chính quyền địa phương, khách thuê mặt bằng, người tiêu dùng…, nếu có một đội ngũ chuẩn chỉnh, đồng nghĩa với việc sản phẩm cung cấp cho khách hàng sẽ càng có chất lượng tốt hơn.
Với những người vẫn nghĩ GO! là một thương hiệu của Thái Lan, công ty có chiến lược gì để khẳng định đây là một thương hiệu Việt và vì người Việt?
Việc xây dựng và định vị thương hiệu, tiếp thị các Trung tâm Thương mại cũng như các cửa hàng là ưu tiên hàng đầu. Như tôi để cập bên trên, yếu tố then chốt chính là giá cả hàng hóa hợp lý cho người tiêu dùng trong khu vực. Chúng tôi luôn phải tự đặt ra câu hỏi, khách hàng của mình có đủ khả năng chi trả, có hài lòng khi chi tiêu tại GO! Mall hay không? Nhìn từ góc độ người tiêu dùng, miễn giả rẻ và chất lượng tốt nhất thì thương hiệu Thái Lan hay Việt Nam cũng không quan trọng.
Chúng tôi có những chương trình thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), điển hình là “One Mall, One School”. Đây là cam kết của Tập đoàn mỗi khi mở một trung tâm mua sắm mới, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho một trường học ở địa phương, thông qua việc xây dựng, cải tạo hoặc đóng góp cho nhà trường.
Ngoài ra chúng tôi làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp địa phương cũng như nông dân ở từng khu vực để giúp phát triển các sản phẩm bản địa, đưa nông sản, hàng hóa vùng miền tới các kệ hàng trên khắp cả nước.
Chúng tôi khẳng định nhu cầu của người Việt là ưu tiên hàng đầu.
Hương Xuân
Trí thức trẻ
Theo Trí thức trẻ
Copy link
Lấy link!