Nắm bắt xu thế đó, Diễn đàn HAWEE Leader’s Forum 2023 mở ra góc nhìn phát triển khả năng lãnh đạo dựa trên Khoa học não bộ, từ đó đưa ra những quyết định kịp thời, đúng đắn, bắp nhịp với những thay đổi thời đại, tháo gỡ những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải.
Tham luận tại Diễn đàn, các lãnh đạo cùng đồng tình rằng để tập thể thích ứng, thì bản thân lãnh đạo phải là người tiên phong. Và người lãnh đạo thích ứng là người lãnh đạo phát huy năng lực tư duy nhạy bén và vận hành linh hoạt để cùng tổ chức. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi mà các tổ chức phải đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội mới liên tục.
Trong phiên thảo luận “Thành công, Thất bại, Ứng dụng phương thức lãnh đạo thích ứng”, các diễn giả đã có những chia sẻ người thật, việc thật; từ đó đúc kết kinh nghiệm bài học cho những đơn vị khác noi theo.
Xuất phát từ một người rụt rè, ít nói nhưng khi tham gia vào doanh nghiệp, được giao những vị trí cao hơn và trách nhiệm lớn hơn, bà Nguyễn Hữu Phượng Vân – General Manager Fujikura Fiber Optic Việt Nam – nhấn mạnh thích ứng đầu tiên chính là phải thay đổi chính mình. Kể lại câu chuyện của bản thân, dù tính ít nói nhưng khi ở vị trí lãnh đạo, thấy cần thiết phải bày tỏ quan điểm với nhân viên, cũng như thay nhân viên bày tỏ quan điểm, đề xuất với cấp lãnh đạo cao hơn, bà Vân đã chủ động thay đổi.
Chưa kể, lãnh đạo thích ứng theo đại diện Fujikura Fiber Optic Việt Nam là phải biết buông bỏ, tức không ôm đồm hết việc mà phải để cho nhân viên làm. “Có lúc giao việc nhân viên nhưng họ làm mãi không xong. Trong khi bản thân mình đã không thích nói nhiều lại thích làm nhanh, nên nghĩ hay mình tự tay làm cho nhanh. Nghĩ là vậy, nhưng nếu lãnh đạo cứ làm mãi thì nhân viên sẽ không trưởng thành được, do đó tôi phải thay đổi, thích ứng với nhân viên. Dần dà, tập thể mới có thể cùng nhau phát triển vững mạnh”, bà Phượng Vân bày tỏ.
Đồng tình, ông Lê Trí Thông – CEO Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nhấn mạnh lãnh đạo phải là người khai phong, từ đó mới có thể khiến nhân viên thay đổi, linh hoạt với thời cuộc. Theo ông Thông, để nhân viên thích ứng 1, thì lãnh đạo phải thích ứng 10.
Mặt khác, trong giai đoạn nhân sự là thế hệ mới GenY, GenZ… thì vai trò của người lãnh đạo càng lớn. Bởi, thế hệ mới với tư duy phóng khoáng, sáng tạo, khi vào chung một đội chắc chắn các bạn sẽ không có chung tần số… do đó người lãnh đạo có vai trò là đồng bộ hoá đội ngũ này. Theo thời gian, khi thế hệ này bước sang giai đoạn mới với tần số mới, thì lãnh đạo phải tiếp tục thích ứng, nắm bắt và đồng hộ sâu hơn.
Cũng hoạt động trong mảng bán lẻ, giữa loạt thử thách từ đại dịch Covid-19, lạm phát đến nhu cầu sụt giảm mạnh, Sữa Quốc tế (IDP) vẫn ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục. Chia sẻ điều này tại diễn đàn năm nay, CEO là bà Đặng Phạm Minh Loan cho biết Công ty thực tế đã rất khó khăn, cắt giảm lương và thưởng Tết cho nhân viên.
“Tôi nhớ lúc dịch bệnh, Công ty khó khăn nên nhân viên chỉ nhận 5 triệu cho Tết. Với tôi, 5 triệu đó đi mua sắm chỉ một thời gian ngắn sẽ hết ngay, trong khi nhân viên mình phải chi cho cả mùa tết và cho cả gia đình. Do đó, tôi quyết tâm phải cố gắng, làm sao năm sau ít nhất tăng gấp đôi số tiền này cho nhân viên”, bà Loan nhớ lại.
Và IDP theo đó bắt tay rà lại toàn bộ vận hành, từ việc coi lại hàng tồn, phân tích lại kinh doanh… Và ban lãnh đạo thấy được có 2 vấn đề chính, bao gồm (i) cái gì xã hội đã thay đổi nhưng chúng ta chưa thay đổi và (ii) cái gì là cốt lõi trong vận hành công ty nhưng chúng ta đi xa rời nó.
Không chỉ tiên phong thích ứng, mà bản thân lãnh đạo còn phải dám chấp nhận thất bại. “Thậm chí, bản thân tôi phải luôn là người đầu tiên nhận sai. Nếu dự án quyết định nào đó không hiệu quả, tôi dĩ nhiên là người nhận sai đầu tiên”, CEO Chợ Tốt, ông Nguyễn Trọng Tấn, nói.
Về Chợ Tốt, năm 2022 và quý đầu năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, đặc biệt thị trường bất động sản gần như đóng băng khiến tình hình Công ty gặp nhiều thách thức (Chợ Tốt vừa ra mắt nền tảng bất động sản là Nhà Tốt). Ngay lập tức, ban lãnh đạo Chợ Tốt theo chia sẻ của ông Tấn đã có cuộc họp, từ đó lên chiến dịch thích ứng lớn. Bởi, 9 năm qua doanh nghiệp đã phát triển tốt, nhưng nay cái gì cũng khó, và những cái Chợ Tốt đã xây có vẻ không giúp mình phát triển được nữa.
Nhìn chung, việc thích nghi với môi trường không ổn định, phức tạp và thay đổi liên tục rất cần doanh nghiệp có khả năng phát huy những nguồn lực sẵn có. Bằng cách sử dụng phương thức lãnh đạo thích ứng, lãnh đạo các doanh nghiệp có thể chủ động tiếp thu và biến đổi, sáng tạo và bứt phá.
“Năng lượng con người rất khủng khiếp, nhiều khi mình nghĩ mình không làm được nhưng mình làm được rất nhiều. Có thể chúng ta cần một sự thúc đẩy”, bà Trần Hoàng Phú Xuân, CEO Fastlink, bày tỏ.
Chủ tịch Hawee bà Cao Thị Ngọc Dung cùng các phó chủ tịch và đại diện hội viên Hawee.
Được biết, HAWEE Leader’s Forum là diễn đàn thường niên nằm trong chuỗi hành trình khai mở năng lực và nội lực người lãnh đạo với những chủ đề có tính định hướng và thực tiễn. Leadership sẽ mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp, góp phần mở ra góc nhìn về việc phát triển khả năng, tư duy năng động và quyết đoán hơn, bắt nhịp những thay đổi cùng thời đại.
Đơn vị Đồng hành và bảo trợ truyền thông – Công ty cổ phần VCCorp.
VCCorp là công ty truyền thông và công nghệ hàng đầu Việt Nam, dẫn đầu về Công nghệ quảng cáo, Hệ sinh thái Marcom toàn diện cùng năng lực sáng tạo nội dung chất lượng cao. VCCorp vẫn được biết đến với các trang tin hàng đầu như CafeF, Kênh 14, Soha, CafeBiz…. và mạng lưới quảng cáo phủ tới 95% độc giả internet Việt Nam. Hiện VCCorp đang là đối tác tin cậy của hơn 4.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước.