Bức thư thể hiện tâm trạng bất lực của Kafka sau thời gian dài không sáng tác, ước tính đạt 70.000-90.000 bảng tại Sotheby’s London.
Nhà đấu giá cho biết Franz Kafka soạn thư vào mùa xuân năm 1920, thời điểm điều trị bệnh lao tại Italy. Hiện vật được bán lần gần nhất cách đây khoảng 11 năm, từng thuộc sở hữu của một nhà sưu tập tư nhân ở châu Âu.
Theo CNN hôm 4/6, thư là lời đáp của Kafka, khi nhà thơ người Áo Albert Ehrenstei ngỏ ý muốn ông đóng góp cho tạp chí văn học Die Gefährten (The Fellows). Nhà văn trăn trở: ”Tôi đã không viết ba năm qua. Những gì đã xuất bản bây giờ đều là chuyện cũ, tôi không có tác phẩm nào khác”.
Gabriel Heaton, chuyên gia về sách và bản thảo của Sotheby’s, nói: “Bức thư cho thấy việc viết lách đòi hỏi Kafka nguồn sức mạnh nội tâm sâu sắc thế nào, trong khi ông đang vật lộn với sự bất an, lo lắng về công việc”.
Heaton cho rằng Kafka gần như đã đạt đến giới hạn của sự bế tắc. Trong lời hồi đáp Albert Ehrenstei, nhà văn dùng nhiều câu từ thể hiện tâm trạng này, như “Bao giờ mới bắt đầu viết lại?”, ”đau khổ khôn nguôi”, ”sự bất lực vốn có”.
Tuy nhiên thời điểm viết thư, Kafka cũng bắt đầu mối tình với nhà báo kiêm nhà văn Milena Jesenská. Dù sức khỏe thể chất ngày càng suy giảm, ông có thêm niềm tin nhờ sự hỗ trợ của Jesenská. Nhà văn nỗ lực viết những tác phẩm cuối cùng, trong đó có A Hunger Artist và The Castle, được xuất bản lần lượt vào năm 1924, 1926.
Franz Kafka (1883-1924) sinh ra trong gia đình tầng lớp trung lưu. Ông từng học và có bằng tiến sĩ luật, làm nghề bảo hiểm trước khi thành nhà văn. Tuy nhiên, văn chương của Kafka chỉ phổ biến và có sức ảnh hưởng toàn thế giới sau khi ông qua đời.
Một số tác phẩm của ông được xuất bản tại Việt Nam, như Hóa thân, Vụ án, Lâu đài, Nước Mỹ. Theo Medium, phong cách sáng tác của Kafka được đặt tên là “Kafkaesque”, nhằm chỉ lối viết siêu thực với nhiều mâu thuẫn mà nhân vật phải trải qua. Đồng thời, “Kafkaesque” là thuật ngữ của một hiệu ứng tâm lý, chỉ cảm giác bất an khi đối mặt với những sự việc phức tạp trong đời sống hiện tại. Một số nhà văn chịu ảnh hưởng của Kafka là Jorge Luis Borges, Albert Camus, Eugène Ionesco, Jean-Paul Sartre.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tay-the-hien-noi-be-tac-cua-franz-kafka-4754513.html