Runner Ethiopia Buzunesh Deba vật lộn với cuộc sống khó khăn 10 năm qua, nhưng vẫn chưa nhận được 100.000 USD tiền thưởng cho chức vô địch giải major năm 2014.
Trên đường chạy Boston 10 năm trước, Deba về đích thứ nhì với thành tích 2 giờ 19 phút 59 giây, sau Rita Jeptoo – runner Kenya vô địch với 2 giờ 18 phút 57. Nhưng vào tháng 10/2016, Jeptoo bị xóa kết quả và tước danh hiệu vì doping, nhờ đó, Deba – với tư cách Á quân, được đôn lên làm nhà vô địch. Hiệp hội Điền kinh Boston (BAA) – nhà tổ chức Boston Marathon – đồng thời công nhận cô là kỷ lục gia nữ mới của giải major này.
Nhưng đến giờ, sau 8 năm, Deba vẫn chưa được BAA trả khoản thưởng 100.000 USD, gồm 75.000 cho chức vô địch và 25.000. Sự việc này gây ra căng thẳng giữa runner 36 tuổi với BAA, và như Deba thừa nhận, cô đã chọc giận Hiệp hội Điền kinh Boston (BAA) khi liên tục yêu cầu huy chương và đòi khoản tiền thưởng 100.000 USD. Dù vậy, Deba cho rằng cô xứng đáng được BAA đối xử tương xứng với vị thế nhà vô địch Boston Marathon 2014 và người giữ kỷ lục đường chạy dành cho nữ
“Tôi nghĩ họ không nên giận tôi, vì tôi đã kiên nhẫn suốt 8 năm”, Deba nói với Boston Globe Sports từ căn hộ nhỏ hai phòng ngủ ở Bronx, nơi cô cùng chồng Worku Beyi và con trai 2 tuổi Ammanuel, con gái 1 tuổi Kalkidan đang sống. Ban đầu, vợ chồng Deba không muốn thúc ép BAA, vì nghĩ rằng họ sớm muộn cũng sẽ trả tiền và huy chương cho cô. “Nhưng thời gian trôi qua, bây giờ, tôi có hai đứa con và vẫn chưa nhận được gì từ BAA”, Deba nói với giọng ấm ức.
Deba cho biết những gì mà cô trải qua là sự pha trộn giữa nước mắt, tiếng cười và sự quyết tâm sắt đá. Một người bạn đã giúp Deba, người nói tiếng Amharic của quê hương Ethiopia, làm phiên dịch, tìm những từ tiếng Anh thích hợp.
Sau khi Deba trải lòng trên Wall Street Journal – nhật báo tại New York có ảnh hưởng lớn trên thế giới – về việc bị BAA nợ khoản tiền 100.000 USD, Doug Guyer – một doanh nhân ở khu vực Philadelphia và là người hâm mộ lâu năm của Boston Marathon – đã bỏ tiền túi để trả khoản thưởng còn thiếu cho runner này. Guyer gửi tấm séc trị giá 75.000 USD cho Deba và sẵn sàng trả nốt khoản tiền thưởng 25.000 USD, nếu BAA tiếp tục né tránh sự việc.
Deba cảm ơn Guyer vì khoản tiền giúp gia đình cô đổi đời, nhưng vẫn muốn BAA trả số tiền thưởng còn lại. Trong khi đó, BBA kiên quyết làm theo quy tắc của Liên đoàn Điền kinh Thế giới (World Athletics), rằng số tiền thưởng trả cho VĐV bị truất quyền thi đấu sẽ được phân bổ lại “chỉ khi tất cả số tiền thưởng bị mất được hoàn trả cho cá nhân hoặc tổ chức có liên quan bởi VĐV không đủ điều kiện”.
Deba kể: “Năm 2016, BAA yêu cầu chúng tôi không công khai và không trả lời phỏng vấn. Họ cho biết đang giải quyết vấn đề. Jeptoo sẽ ra tòa và họ sẽ nhận được một số tin tức rồi thông báo lại. Đó là lý do chúng tôi đã chờ đợi”.
BAA muốn “ngăn chặn những kẻ gian lận tham gia môn thể thao này và đảm bảo các quy tắc được tuân thủ”. Nhà tổ chức Boston Marathon cũng cho biết đòi lại tiền từ Jeptoo là “rất phức tạp, mất thời gian”, và hứa sẽ “tiếp tục nỗ lực để tìm ra giải pháp cuối cùng”. Nhưng trong lúc đó, Deba phải mòn mỏi chờ đợi. Cô cho rằng những tuyên bố hay lời hứa của BAA cũng vô nghĩa. “Cứ cho là họ đã trả Jeptoo tiền thưởng. Nhưng tôi không đòi Jeptoo. Trước hết, BAA phải có trách nhiệm trả tiền cho tôi. Việc họ đòi tiền từ Jeptoo là điều khác”.
BAA chỉ trả khoản cát-xê thi đấu với tư cách là nhà vô địch cho Deba trong các lần tham dự Boston Marathon tiếp theo, gồm năm 2020 khi giải bị hủy do Covid-19. Nhưng họ không giải thích được sự chậm trễ trong việc trả huy chương và Cup cho nhà vô địch năm 2014.
Tháng 10/2023, ngoài số tiền 100.000 USD, Deba gửi email cho BAA để hỏi về chiếc Cup cho nhà vô địch và huy chương cho người chiến thắng và lập kỷ lục giải. Sau đó, cô nhận được chiếc hộp với hai huy chương và một bức ảnh chụp chiếc Cup.
“Chiếc Cup? Không, họ không gửi, chỉ là một bức ảnh thôi”, Deba cười và nói. Runner Ethiopia đã gửi email hỏi lại việc chiếc Cup cùng số tiền thưởng còn thiếu, nhưng BAA không phản hồi.
“Giấc mơ của tôi là trở thành nhà vô địch, New York, Thế vận hội và Boston. Đó ước mơ của tôi và là lý do tôi đã khóc”, Deba cầm những tấm huy chương và khóc. “Khi nhìn thấy chúng, tôi đã nhớ ra rất nhiều điều. Tôi đã hy sinh rất nhiều thứ. Khi tôi tập luyện cho Boston, bà tôi đã qua đời. Tôi cũng chấn thương. Cuộc sống thăng trầm là thế. Boston là giải chạy marathon lớn trên thế giới”.
Năm 2017, khi về quê nhà Assela – một cao nguyên miền Trung Ethiopia, nơi từng sản sinh ra nhiều VĐV chạy dài hàng đầu, Deba muốn mang theo chiếc Cup để chia vui với mọi người. “Bạn bè tôi, những người ủng hộ tôi và gia đình tôi, tất cả mọi người đều bị sốc”, Deba nói. “Sẽ vô nghĩa nếu bạn không có Cup, dù họ có công bố bạn là nhà vô địch”.
Điều đó khiến Deba nhớ đến một lý do khác khiến cô bật khóc khi nhận được huy chương. “Tôi có giấc mơ. Người cha quá cố của tôi luôn kỳ vọng tôi sẽ giống Derartu Tulu”, Deba nói, nhắc tới runner nữ châu Phi đầu tiên và là người Ethiopia đầu tiên giành HC vàng Olympic ở nội dung chạy 10.000m. “Đó là cũng là giấc mơ của tôi. Jeptoo đã lấy đi cơ hội của tôi”.
Do không nhận được những giải thưởng khi vô địch Boston 2014, Deba mất cơ hội lên hạng cao nhất trong nhóm VĐV elite cự ly marathon. Cô cũng mất hợp đồng với Nike và cả khoản tiền thưởng 50.000 USD của Nike cho việc phá kỷ lục của Boston. Đến giờ, runner Ethiopia này vẫn đang tìm nhà tài trợ mới.
Deba vừa sinh mổ và cho biết sẽ cần sáu tháng đến một năm để lấy lại thể trạng sẵn sàng cho cuộc đua. Cô bật cười khi nhắc đến việc Boston Marathon diễn ra vào tháng 4/2025 – thời điểm phù hợp để trở lại. “Tôi muốn chạy, nhưng tôi phải xem mình đạt thể trạng thế nào”, runner 36 tuổi nói. “Đó là giải chạy lớn. Tôi không muốn dự, nếu không đạt thể trạng tốt”.
Nếu tái xuất tại Boston năm sau, thể lực của Deba không phải là vấn đề được quan tâm. Điều quan trọng là liệu Deba có thể về đích đầu tiên và trở thành tâm điểm chú ý của thế giới và BAA? Đó sẽ là chương mới không tưởng cho câu chuyện vẫn chưa có hồi kết này.
Hồng Duy
Nguồn tin: https://vnexpress.net/10-nam-doi-tien-thuong-vo-dich-boston-marathon-2014-4752757.html