Chủ đầu tư dự án trùng tu tháp Chăm Khương Mỹ ở huyện Núi Thành xin dừng triển khai vì chưa tìm ra giải pháp khắc phục hiện tượng muối trên bề mặt tháp.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, chủ đầu tư dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ, vừa đề xuất UBND tỉnh xem xét cho dừng tu bổ tháp nam, kinh phí 6 tỷ đồng. Hiện dự án mới xong phần phê duyệt thiết kế, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Đại diện Ban Quản lý cho hay đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất thêm giải pháp khắc phục cơ bản hiện tượng nổi muối, mủn gạch. Sau khi có kết quả khoa học chính xác, Ban sẽ tiếp tục triển khai.
Trường hợp không tìm được cách khắc phục cơ bản hiện tượng nổi muối, mủn gạch thì vẫn tiếp tục dự án bảo tồn, tu bổ với phương pháp giống hai tháp bắc và tháp giữa. “Nhưng việc này cần thông tin rộng rãi với các cơ quan, người dân được biết trước khi tiếp tục triển khai dự án”, chủ đầu tư đề nghị.
Trước đề xuất này, ngày 3/5, Phó chủ tịch tỉnh Hồ Quang Bửu đã yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Văn hóa Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh hướng xử lý.
Nhóm tháp Chăm Khương Mỹ ở xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành gồm ba công trình xếp thành hàng ngang theo trục bắc nam, được công nhận di tích quốc gia năm 1989. Trải qua hơn 1.000 năm, tháp hư hỏng, nguy cơ sập đổ.
Tháng 10/2019, tỉnh Quảng Nam phê duyệt Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp bắc, tháp giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ, kinh phí 12,6 tỷ đồng, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam. Viện Khoa học công nghệ xây dựng thi công, cuối năm 2022 hoàn thành.
Sau 6 tháng trùng tu, gạch trên nhiều mảng tường của hai tháp bám muối, cả mặt trong và ngoài. Viện Khoa học công nghệ Xây dựng xác định tháp Khương Mỹ cách biển khoảng 7 km, trải qua hơn 1.000 năm lượng muối Na2SO4 và NaCl tích tụ trong thân tháp rất lớn. Trước khi trùng tu, bề mặt tháp đã có muối.
Muối cộng với tác động của nhiệt độ, độ ẩm và môi trường không khí biển đã ăn mòn gạch, gây mủn. Khi mưa xuống, nước mưa mang theo muối từ bề mặt mủn phía trên chảy xuống khối tháp xây mới phía dưới. Nắng lên, nước bốc hơi làm các tinh thể muối lộ ra thành từng mảng trắng.
Khu vực tiếp xúc giữa khối xây mới và cũ ngoài việc bị muối bám còn thường xuyên tích ẩm, gây ăn mòn liên tục. Đây là lý do khiến gạch phục chế bị mủn rất nhanh.
Viện Khoa học công nghệ Xây dựng đề xuất tăng thời gian bảo hành công trình, định kỳ vệ sinh loại bỏ muối bám trên bề mặt. Một giải pháp khác là thay thế các viên gạch ở vùng tiếp giáp giữa hai khối xây cũ – mới bị mủn bằng viên gạch được nung cường độ lớn hơn.
Cơ quan này khẳng định những giải pháp trên chỉ là tạm thời, làm giảm tốc độ nổi muối và mủn bề mặt gạch sau tu bổ. Hiện tượng này gần như không thể khắc phục nếu vẫn sử dụng giải pháp gia cường khối xây bằng gạch phục chế.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/xem-xet-dung-trung-tu-thap-cham-o-quang-nam-4753631.html