Tiến sĩ dinh dưỡng Rohini Patil (CEO của Nutracy Lifestyle, Ấn Độ) cho biết, từ việc tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên rán đến béo phì đã cho thấy có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến trào ngược axit.
Ngoài ra, một số quan điểm cho rằng, sữa có thể giúp giảm đau nếu bị trào ngược axit hoặc ợ nóng. Tuy nhiên, nó có thể không phải là một giải pháp lâu dài. Bởi thực tế, trong một số trường hợp, sữa có thể gây ra triệu chứng trào ngược axit, đặc biệt đối với những người không dung nạp lactose (một loại đường tự nhiên).
Trào ngược axit là gì?
Theo Tiến sĩ dinh dưỡng Rohini Patil, trào ngược axit xảy ra khi axit dạ dày chảy ngược vào thực quản, gây cảm giác nóng rát ở ngực rồi di chuyển lên cổ và cổ họng, được gọi là chứng ợ nóng.
Trong một số trường hợp, trào ngược axit thường xuyên hoặc liên tục thậm chí có thể dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), một dạng bệnh nghiêm trọng và dai dẳng hơn.
Các tác nhân phổ biến của nó bao gồm một số loại thực phẩm (chẳng hạn như thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc chiên, thực phẩm giàu chất béo, phô mai, sữa nguyên chất, bơ, v.v.), đồ uống (caffeine), căng thẳng và thói quen nằm ngay sau bữa ăn.
Sữa có thể gây trào ngược axit
Tiến sĩ Rohini Patil phân tích, trào ngược axit có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm chế độ ăn uống, lối sống, căng thẳng và một số tình trạng bệnh lý.
Mặc dù có một số biện pháp khắc phục tại nhà mà bạn có thể tìm thấy để giảm tình trạng này, nhưng sữa là một trong những biện pháp phổ biến nhất được sử dụng để chữa chứng trào ngược axit.
Tuy nhiên, một số người phàn nàn về việc gặp phải các triệu chứng trào ngược axit trầm trọng hơn do sữa gây ra.
“Sữa có thể giúp giảm axit trong thời gian ngắn. Nhưng tác dụng lâu dài của nó có thể khác nhau. Theo hướng dẫn lâm sàng của Trường Cao đẳng Tiêu hóa Hoa Kỳ, chẩn đoán và quản lý bệnh trào ngược dạ dày thực quản không liệt kê các sản phẩm từ sữa là nguyên nhân gây ra axit và ợ chua. Tuy nhiên, các sản phẩm từ sữa giàu chất béo, chẳng hạn như sữa nguyên chất và sữa chua, có thể dẫn đến chứng ợ nóng”, Tiến sĩ Rohini Patil nói.
Trên thực tế, một nghiên cứu khác năm 2022 do Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Hoa Kỳ công bố cũng cho thấy rằng, tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng trào ngược axit.
Giải quyết tình trạng axit do sữa gây ra?
Để kiểm soát chứng trào ngược axit do sữa gây ra, Tiến sĩ Rohini Patil đưa ra 5 lời khuyên:
1. Chuyển sang sữa ít béo hoặc các sản phẩm thay thế không phải sữa (có nguồn gốc từ thực vật) như sữa hạnh nhân, đậu nành hoặc yến mạch.
2. Giảm tiêu thụ tổng thể các sản phẩm sữa để giảm thiểu nguy cơ sản sinh axit.
3. Uống sữa với số lượng ít hơn để tránh làm hệ tiêu hóa bị quá tải.
4. Tránh nằm ngay sau khi uống sữa để tránh axit trào ngược vào thực quản.
5. Nếu bạn không dung nạp lactose, hãy sử dụng sữa không chứa lactose để tránh tình trạng khó chịu về tiêu hóa có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược.