Bệnh nhi là bé P.B.N (18 ngày tuổi, quê huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), nhập Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng vàng da toàn thân, vàng đến lòng bàn tay, bàn chân, kết mạc mắt 2 bên vàng.
Theo chia sẻ của gia đình, bé sau sinh thì da bị vàng, đã được chiếu đèn ánh sáng xanh liên tục 2 ngày trước khi xuất viện tại 1 cơ sở y tế khác. Khoảng 3 ngày nay, mẹ thấy bé vàng da ngày càng nhiều, vàng mắt 2 bên nên đưa bé đến bệnh viện điều trị.
Qua thăm khám, bệnh nhi được các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm, kết quả ghi nhận chỉ số bilirubin toàn phần = 22,65mg%, bilirubin trực tiếp = 0,66 mg%.
Bệnh nhi được chỉ định chiếu đèn ánh sáng xanh liên tục, truyền dịch hỗ trợ, bú mẹ theo yêu cầu. Sau khi chiếu đèn 24 giờ, mức độ vàng da giảm còn 12,5mg% và sau 72 giờ, bé hết vàng da, bú mạnh, không ọc, không dấu thần kinh khu trú và được xuất viện.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Yến Trang – Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long – cho biết, vàng da sơ sinh thường xuất hiện sau sinh do sự gia tăng lượng bilirubin trong máu. Trẻ càng non tháng, nguy cơ tăng bilirubin máu nặng càng cao. Vàng da sơ sinh có thể là sinh lý hoặc bệnh lý. Biến chứng của vàng da sơ sinh khi lượng bilirubin trong máu tăng cao là sẽ gây độc tế bào, đặc biệt là tế bào não.
Do đó, bác sĩ khuyên phụ huynh cần để bé trong phòng thoáng mát, có ánh sáng để sớm nhận ra trẻ bị vàng da và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và đánh giá mức độ vàng da, từ đó sẽ có hướng xử trí tốt nhất cho bé. Phụ huynh tuyệt đối không nên nghĩ rằng phơi nắng sáng cho bé sẽ làm giảm vàng da cho bé, mà ngược lại có thể làm trì hoãn việc điều trị làm tăng nguy cơ tổn thương não ở trẻ.