Cập nhật thị trường cho thấy, lãi suất liên ngân hàng VND qua đêm 4,98%; 1 tuần 5,1%; 2 tuần 5,18% và 1 tháng 5,33%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD đi ngang ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,04 % ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng; giao dịch tại: qua đêm 4,85%; 1 tuần 4,92%; 2 tuần 5,02%, 1 tháng 5,17%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 2,54%; 5 năm 2,59%; 7 năm 2,74%; 10 năm 3,14%; 15 năm 3,26%.
Cuối tuần qua, trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu ở hai kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, đều với khối lượng 10.000 tỷ đồng, lãi suất 5%. Theo thống kê của MSB, có 1.254,9 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày, không có khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 28 ngày; có 4.061,14 tỷ đồng đáo hạn. Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 2.806,24 tỷ đồng từ thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 63.549,51 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 110.699,8 tỷ đồng.
Thị trường ngoại tệ, tỷ giá VND/USD tiếp tục đi xuống. Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm phiên 8/5 ở mức 23.618 VND/USD, giảm 4 đồng so với cuối tuần trước.
Trước đó, phiên 5/5, tỷ giá trung tâm ở mức 23.622 VND/USD, giảm 13 đồng so với phiên 4/5. Tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 24.753 VND/USD; thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá /USD ở mức 23.445 VND/USD. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 70 đồng ở chiều mua vào trong khi không thay đổi ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.400 VND/USD và 23.450 VND/USD.
Trên thế giới, thị trường lao động Mỹ nhận nhiều thông tin tích cực trong
phiên cuối tuần trước. Điều này làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tiếp tục giữ lãi suất chính sách ở mức cao như hiện nay lâu hơn, và có thể thêm lần tăng lãi suất thứ 11 tại kỳ họp tháng 6 này.
Cụ thể, trong tháng 4, thị trường Mỹ tạo ra 253 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới, cao hơn nhiều so với mức 165 nghìn của tháng 3 và vượt qua mức 181 nghìn theo kỳ vọng. Thu nhập bình quân theo giờ của người lao động cũng tăng 0,5% m/m trong tháng 4, nối tiếp đà tăng 0,3% của tháng 3. Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng vừa qua ghi nhận ở
mức 3,4%, giảm so với mức 3,5% của tháng trước đó và đồng thời tích cực hơn mức 3,6% theo dự báo.
Trái lại, thị trường Châu Âu khá ảm đảm. Doanh số bán lẻ tại Eurozone giảm 1,2% m/m trong tháng 3, nối tiếp đà giảm 0,2% của tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 0,2% dự báo của thị trường. Trong đó, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá giảm 1,4%, các sản phẩm còn lại giảm 1,1%, trong khi nhiên liệu ô tô tăng 1,6%. So với cùng kỳ năm 2022, doanh số bán lẻ đã giảm 3,8%.
Tại Đức, theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức Destatis, số đơn đặt hàng nhà máy giảm mạnh 10,7% m/m trong tháng 3, sau khi tăng 4,5% tháng trước đó và sâu hơn mức giảm 2,4% của thị trường. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/220, được cho là do đại dịch Covid-19. Đơn đặt hàng chịu xu hướng tiêu cực chủ yếu ở các ngành như sản xuất động cơ (đóng tàu, phương tiện có ray, máy bay, tàu vũ trụ và phương tiện quân sự…), xe có động cơ và phụ tùng xe có động cơ, tư liệu sản xuất, hàng hóa trung gian… So với cùng kỳ năm 2022, số đơn đặt hàng nhà máy Đức giảm 11%.